Ngân hàng thế giới đề xuất nhiều biện pháp để Việt Nam khôi phục kinh tế

CHÍNH SÁCH Việt nAM
13:32 - 07/10/2021
Ngân hàng thế giới đề xuất nhiều biện pháp để Việt Nam khôi phục kinh tế
Ngân hàng thế giới đề xuất nhiều biện pháp để Việt Nam khôi phục kinh tế
0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân, Ngân hàng thế giới (World Bank Group) đã đề xuất nhiều biện pháp để Việt Nam khôi phục kinh tế, sau hậu dịch COVID-19.

Ngân hàng thế giới (World Bank Group) vừa công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân, thiết lập thị trường tại Việt Nam.

Theo đó, báo cáo này đánh giá và đề xuất những hành động có thể thực hiện để đưa Việt Nam trở lại con đường tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân và đầu tư thông qua mô hình tăng trưởng bao trùm và dựa vào tăng năng suất để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

Do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam gặp không ít thách thức đối với sự phát triển. Chính vì vậy, Ngân hàng thế giới cho rằng, Việt Nam cần tăng trưởng dựa vào năng suất. Bởi việc này đóng vai trò thiết yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Bên cạnh đó, tăng năng suất đòi hỏi Việt Nam phải khai thác hết tiềm năng của khu vực tư nhân bằng cách giảm bớt các rào cản về gia nhập và dỡ bỏ các nhân tố kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các thị trường mới, và số hóa sâu hơn các ngành kinh tế.

Cụ thể, Việt Nam cần củng cố và hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý về kinh doanh, cần cải cách DNNN (doanh nghiệp nhà nước) để mở cửa thị trường, giảm bớt các rào cản gia nhập thị trường và mở rộng quy mô của doanh nghiệp nhỏ. Cùng với đó, Doanh nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; thị trường vốn kém phát triển; các công ty fintech cần được hỗ trợ để phát triển các dịch vụ tài chính sáng tạo và cải thiện bao trùm tài chính.

Tiếp theo đó, Việt Nam cần giải quyết vấn đề chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng kỹ thuật số, kỹ thuật, và quản lý, để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, chi phí hậu cần và cơ sở hạ tầng còn cao và cần được giảm bớt để thúc đẩy một nền kinh tế năng suất cao hơn, năng động hơn, và xanh hơn. “Đại dịch COVID-19 đã cho thấy Việt Nam nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ áp dụng, phổ biến công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ sự bền vững, tăng trưởng của doanh nghiệp”, Ngân hàng thế giới hiến kế.

Bên cạnh thách thức, đại dịch COVID-19 còn tạo cho Việt Nam cơ hội để phát triển. Theo đó, trong tương lai, Việt Nam có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo. Việc này sẽ càng trở nên cấp thiết hơn trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19 khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.

Ngoài ra, tổ chức này cũng nhận định, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và người tiêu dùng thận trọng hơn sau COVID-19 dẫn tới tăng nhu cầu dịch vụ hậu cần hiệu quả. Từ đó, Việt Nam có khả năng cung ứng sản phẩm thực phẩm và hàng tiêu dùng an toàn hơn thông qua thương mại điện tử và bán lẻ hiện đại. Đến năm 2030, cần có tổng vốn đầu tư 185 tỷ USD cho ngành điện lực.

Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và khí tự nhiên. Các hiệp định thương mại gần đây đã mở ra cánh cửa để tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường lớn hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao.

Nhu cầu công nghệ thông tin, xây dựng dân dụng, kỹ năng quản lý gia tăng nhanh chóng, cùng với cơ hội cải thiện hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề. Mặc dù tồn tại với tác động của đại dịch là thách thức trước mắt của ngành du lịch, đất nước trên 90 triệu dân vẫn có cơ hội để đẩy nhanh tốc độ phục hồi thông qua đầu tư vào các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, dịch vụ mới, và cơ sở hạ tầng của những điểm đến mới và có chất lượng.

Để Khôi phục kinh tế, tổ chức này còn đưa ra cho Việt Nam khuyến nghị. Trong đó, phát triển lĩnh vực hậu cần yêu cầu phải phát triển các mạng lưới đa phương thức, cải thiện cơ hội tiếp cận nguồn vốn, giảm rào cản gia nhập, giải quyết thiếu hụt về luật lệ và kỹ năng.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân trong ngành năng lượng yêu cầu một môi trường chính sách rõ ràng và minh bạch để giải quyết các nút thắt trong đấu thầu mua sắm, thay đổi đối với khung hợp tác công-tư, và các hợp đồng mua bán điện khả thi hơn.

Cùng với đó, tăng năng suất nông nghiệp yêu cầu giải quyết các chính sách đất đai, tiếp cận nguồn vốn; chi phí kho vận cao, an ninh lương thực, và an toàn sinh học; áp dụng rộng rãi hơn công nghệ kỹ thuật số và các công cụ quản lý rủi ro.

Việc hiện thực hóa tiềm năng của ngành giáo dục yêu cầu phải dỡ bỏ rào cản đối với sự tham gia của tư nhân trong giáo dục đại học và đào tạo nghề, xây dựng cơ cấu đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình, và tài trợ gắn với kết quả hoạt động.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, phát triển của ngành du lịch yêu cầu quy định chặt chẽ về y tế và nới lỏng thị thực; và trong trung hạn, tuân thủ quy hoạch tổng thể về du lịch, cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường, đầu tư theo hình thức PPP vào hạ tầng dịch vụ, cũng như nâng cao kỹ năng quản lý và kỹ năng số/.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.