Hàng không châu Á nhộn nhịp trở lại sau thời kỳ đóng băng

Hàng KHông CHÂU Á
11:25 - 23/02/2022
IATA dự báo hàng không châu Á sẽ giảm lỗ ròng từ mức 11,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn 2,4 tỷ USD năm nay khi hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc trở lại. Ảnh: Reuters
IATA dự báo hàng không châu Á sẽ giảm lỗ ròng từ mức 11,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn 2,4 tỷ USD năm nay khi hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc trở lại. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngành hàng không châu Á đang tăng cường nối lại đường bay quốc tế trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực bắt đầu mở cửa biên giới. Doanh thu hàng không được dự báo sẽ lạc quan hơn bởi nhu cầu đi lại sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng, các quốc gia đều tạm đóng cửa biên giới để ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hãng hàng không đang sẵn sàng chuẩn bị thêm máy bay và nhân lực để trở lại bầu trời.

Từ giữa tháng 2, Singapore Airlines đã khởi động lại đường bay từ Singapore tới đảo Bali, Indonesia. Hãng này cũng có kế hoạch nối lại đường bay với UAE vào ngày 24/2 và tới Hong Kong vào ngày 25/2. Bắt đầu từ ngày 4/3, hãng sẽ nối lại các đường bay tới Manila (Philippines), Bangkok và Phuket (Thái Lan).

Tại Indonesia, hãng hàng không đối thủ Garuda Indonesia cũng đã điều chỉnh hoạt động, khởi động lại đường bay từ Nhật Bản và Australia tới đảo du lịch Bali.

Tại Thái Lan, Thai Airways đã tung ra chương trình khuyến mại đặc biệt cho các chuyến bay tới Nhật Bản, thông qua hợp tác cùng Tổng Cục Du lịch Thái Lan. Thông qua chương trình này, du khách từ Nhật tới Bangkok được hưởng giảm giá 3.000 Yên (26 USD).

ANA sẽ tiếp tục tạm dừng một số đường bay tới Trung Quốc cho đến tháng 6. Ảnh: Reuters

ANA sẽ tiếp tục tạm dừng một số đường bay tới Trung Quốc cho đến tháng 6. Ảnh: Reuters

Động thái khởi động đường bay quốc tế diễn ra trong bối cảnh các nước châu Á đang dần mở lại biên giới. Từ đầu tháng 3, Singapore dự kiến sẽ tăng gấp ba lần hạn ngạch nhập cảnh hàng ngày đối với chương trình “Đường bay vaccine” (VTL) từ 25 quốc gia lên 15.000 người.

Trong khi đó, từ giữa tháng 10/2021, Indonesia đã cho phép du khách quốc tế nhập cảnh miễn cách ly tới đảo Bali. Còn Thái Lan đã nối lại chương trình nhập cảnh miễn cách ly cho khách đã tiêm chủng từ đầu tháng này.

Không chỉ hãng hàng không lớn, nhiều hãng bay giá rẻ cũng đang mở rộng đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại.

Hãng hàng không giá rẻ Việt Nam Vietjet Air hôm 22/2 cho biết sẽ tăng gấp đôi các chuyến khứ hồi giữa TP HCM và Bangkok lên 6 chuyến mỗi tuần kể từ tháng 3. Hãng cho biết sẽ có chương trình giảm 50% giá vé.

Tại Philippines, Cebu Air – công ty điều hành Cebu Pacific, đang tăng tốc kế hoạch trở lại phục vụ du lịch quốc tế sau khi quốc gia này bắt đầu tiếp nhận khách du lịch đã tiêm vaccine kể từ ngày 10/2.

Tuần trước, Cebur Air thông báo họ dự kiến nối lại các đường bay từ Manila tới TP HCM vào ngày 1/3 và tới Đài Bắc (Trung Quốc) vào ngày 2/3. Hãng này cũng dự kiến bắt đầu khai thác đường bay hàng ngày tới UAE từ ngày 1/3, sau khi quốc gia Trung Đông dỡ bỏ các hạn chế với tuyến Dubai - Manila. Hiện tại, Cebu Air đã khôi phục đường bay ba tuần/lần từ Manila tới Bangkok (Thái Lan) và các chuyến hàng tuần đến Jakarta (Indonesia) và Fukuoka (Nhật Bản).

"Sự tiến triển này sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch Philippines khi chúng tôi bắt đầu chào đón du khách đã tiêm vaccine từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá những bờ biển xinh đẹp của mình”, Xander Lao, Giám đốc Thương mại Cebu Pacific, cho biết trong một tuyên bố của công ty.

Một khách du lịch chuyển hành lý của mình sau khi đến sân bay quốc tế Bali (Indonesia) vào ngày 4/2. Ảnh: AP

Một khách du lịch chuyển hành lý của mình sau khi đến sân bay quốc tế Bali (Indonesia) vào ngày 4/2. Ảnh: AP

Việc các hãng hàng không quay trở lại bầu trời nhận được sự hưởng ứng của người lao động, bởi đây là một trong những lĩnh vực chứng bị chao đảo bởi tình trạng thất nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo báo cáo của Channel NewsAsia, Singapore Airlines và Cebu Air đang chấm dứt tình trạng đóng băng và bắt đầu tuyển dụng đội ngũ tiếp viên để trở lại để chuẩn bị khôi phục các đường bay.

Sự gia tăng các chuyến bay cũng thúc đẩy các đơn đặt hàng máy bay mới, có thể kể đến Cebu Pacific khi hãng này mua thêm 6 máy bay trong năm 2021. Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lượng máy bay mới giao cho các hãng hàng không tại châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 61% trong năm 2022 so với năm ngoái.

Tuy nhiên, tốc độ thay đổi diễn ra không đồng đều. Tại Nhật Bản, mặc dù tuần trước quốc gia thông báo sẽ cho phép một số lượng hạn chế sinh viên nước ngoài và doanh nhân nhập cảnh từ tháng 3, nhưng các hãng hàng không của nước này được dự báo sẽ chưa thể khôi phục lịch trình khai thác bay rộn ràng trước đây.

All Nippon Airways (ANA), hãng hàng không hàng đầu của Nhật Bản, tuần trước cho biết sẽ tiếp tục tạm dừng các đường bay tới Trung Quốc, cùng với đường bay từ sân bay Haneda ở Tokyo đi Seoul (Hàn Quốc) và từ sân bay Narita đi Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Hãng này cũng sẽ tiếp tục hoãn việc khởi động các đường bay tới Milan (Italy) và Moscow (Nga). Đây là hai đường bay trước đó được lên kế hoạch đưa vào khai thác trong năm tài chính 2020.

Tuy nhiên, ANA dự kiến tăng các chuyến bay từ Narita đi các thành phố San Francisco và Seattle (Mỹ) và từ Haneda đi London (Anh) và Frankfurt (Đức) trong tháng 3. "Sẽ cần một thời gian nhất định để phục hồi nhu cầu bay trên quy mô toàn diện”, ANA nói với Nikkei Asia.

Theo IATA, lưu lượng chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không châu Á đã giảm 93,2% trong năm 2021 so với năm 2019. Đây là mức giảm sâu nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo ngành hàng không châu Á sẽ giảm lỗ ròng từ mức 11,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn 2,4 tỷ USD năm nay khi hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.