Hollywood hoạt động trở lại khi các diễn viên kết thúc đình công

Đình công MỸ
08:34 - 09/11/2023
Các thành viên của SAG-AFTRA tiến hành đình công vào ngày thứ 100 bên ngoài Paramount Studios ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 20/10/2023. Ảnh: Reuters
Các thành viên của SAG-AFTRA tiến hành đình công vào ngày thứ 100 bên ngoài Paramount Studios ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 20/10/2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/11, công đoàn diễn viên Hollywood SAG – AFTRA đạt được thỏa thuận dự kiến với các hãng phim, chính thức kết thúc cuộc đình công thứ hai làm rung chuyển ngành giải trí Mỹ.

Bắt đầu từ giữa tháng 7, các diễn viên là thành viên của SAG-AFTRA đã tiến hành đình công nhằm yêu cầu tăng mức lương tối thiểu, chia sẻ doanh thu từ các dịch vụ phát trực tuyến và bảo vệ bản thân khỏi bị thay thế bởi “bản sao kỹ thuật số” do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.

Tương tự như với các biên kịch phim và truyền hình, các diễn viên cũng có mối quan ngại liên quan tới việc tiền thù lao giảm dần khi việc phát trực tuyến tiếp tục diễn ra, khiến việc kiếm tiền đủ sống ở các thành phố lớn như Los Angeles và New York trở nên khó khăn.

Ngoài ra, các diễn viên cũng lo lắng trước những tiến bộ trong công nghệ AI gần đây có thể dẫn đến việc các hãng phim thao túng hình tượng của họ mà không được phép hoặc thay thế diễn viên con người bằng hình ảnh kỹ thuật số.

Sau nhiều tháng đình công kéo dài, Reuters trích dẫn thông báo của công đoàn ngày 8/11 cho biết các nhà đàm phán của mình đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hợp đồng mới với Liên minh các Nhà sản xuất Phim và Truyền hình (AMPTP), đại diện cho Walt Disney, Netflix và các công ty truyền thông khác.

Bước đột phá này đồng nghĩa với việc Hollywood có thể quay trở lại quá trình sản xuất nội dung đã bị ảnh hưởng do các cuộc đình công của giới diễn viên và biên kịch Hollywood. Trước đó, nhiều bộ phim và chương trình truyền hình buộc phải tạm dừng sản xuất do khi Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) và công đoàn diễn viên SAG - AFTRA kêu gọi đình công. Khi các thành viên WGA nối lại việc viết kịch bản vào cuối tháng 9, việc sản xuất nội dung vẫn tương đối chậm chạp do các diễn viên vẫn đang đình công.

Việc Hollywood ngừng hoạt động đã buộc các nền tảng truyền hình phải sử dụng các chương trình chiếu lại, chương trình trò chơi và chương trình thực tế để lấp vào phần nội dung không sản xuất mới được. Ngoài ra, nó cũng buộc các hãng phim phải trì hoãn các bộ phim lớn như Dune: Part 2 vì các diễn viên đình đám không thể quảng bá cho chúng.

Các bộ phim lớn khác, bao gồm phần mới nhất của loạt phim "Mission: Impossible" và bản live-action làm lại từ bộ phim hoạt hình kinh điển "Bạch Tuyết" của Disney, cũng đã bị hoãn lại cho đến năm 2025.

Theo ước tính của Viện Milken, sự gián đoạn này khiến bang California thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Ngoài việc ảnh hưởng tới các hãng phim và việc sản xuất nội dung, cuộc đình công còn ảnh hưởng tới những người làm trong các ngành liên quan tới giải trí như thiết kế trang phục hay đạo cụ.

Các cuộc đình công tại giới giải trí Hollywood diễn ra trong một năm có nhiều hoạt động đình công nổi bật khác trên các lĩnh vực ở Mỹ. Giáo viên, y tá và nhân viên y tế tại Mỹ liên tục thực hiện các động thái yêu cầu cải thiện quyền lợi và điều kiện làm việc. Gần đây, công đoàn những người lao động trong ngành ô tô United Auto Workers đã kết thúc 6 tuần đình công tại các nhà sản xuất ô tô ở Detroit.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.