HoREA kiến nghị Thủ tướng duy trì chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội

bđs Việt nAM
14:27 - 05/01/2022
HoREA kiến nghị Thủ tướng duy trì chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội
HoREA kiến nghị Thủ tướng duy trì chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, được cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo HoREA, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN "Hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định", sẽ có hiệu lực từ ngày 20/01/2022 tới.

Nhưng do khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN, chỉ còn quy định: "2. Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP". Như vậy, "đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội" kể từ ngày 20/01/2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để "xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở".

Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng phải thực hiện gửi tiết kiệm.

Kiến nghị khẩn cấp cho người dân được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội

Kiến nghị khẩn cấp cho người dân được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, quy định này của Ngân hàng Nhà nước không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội và đã làm phát sinh xung đột pháp luật vì đã không phù hợp với các quy định của Nghị định số 100 và Nghị định số 49.

Căn cứ vào Nghị định 100, người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

Theo HoREA, thực tiễn hơn 15 năm qua đã chứng minh, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt, rất hiệu quả việc cho vay ưu đãi "để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở", kể cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2013-2016.

"Vì vậy, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, để đảm bảo quy định trên thống nhất và phù hợp với các quy định của nghị định 100, nghị định 49 và Luật nhà ở 2014", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

4 kiến nghị "nóng" gửi Thủ tướng Chính phủ

(1) HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN theo hướng vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015/TT-NHNN (chỉ bỏ mục đích "thuê") như sau: "2. Đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP".

(2) HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN, như sau: "3. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Và, "4. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay".

(3) Năm 2022, khi xem xét xây dựng Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ "mua, thuê mua nhà ở xã hội" để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.

(4) Hiệp hội đề nghị Chính phủ đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách về nhà ở xã hội" vào Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ đó được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trung hạn trong giai đoạn 2021-2026, để có căn cứ pháp luật để bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp