Hưởng ứng Ngày Du lịch Thế giới và kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam

DU LỊCH Việt nAM
17:10 - 25/09/2021
Hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới và kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam. Ảnh: minh họa
Hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới và kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam. Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Hưởng ứng ngày Du lịch Thế giới 27/09 với chủ đề "Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm", Việt Nam sẽ chuẩn bị kịch bản phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.

Ngày 27/09/1970, quy chế của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc được thông qua là cột mốc quan trọng trong ngành du lịch toàn cầu. Năm năm sau đó, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) được thành lập và 27/09 được chọn là ngày du lịch thế giới từ năm 1980.

Đại dịch COVID-19 gây nên những thách thức to lớn cho du lịch thế giới trong hơn một năm qua, ngày du lịch thế giới năm 2021 được UNWTO đặt chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm” hướng tới mục tiêu phục hồi ngành du lịch toàn cầu.

Ngày du lịch thế giới năm nay nêu bật tầm quan trọng của du lịch trong việc bảo tồn và quảng bá văn hóa, di sản trên toàn thế giới. Trong thời kỳ đại dịch, có tới 90% di sản thế giới buộc phải đóng cửa vào năm ngoái.

Nhận thức về tầm quan trọng của du lịch trong việc ảnh hưởng đến các giá trị xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của cộng đồng quốc tế... cũng được lưu tâm.

Theo UNWTO, đây là "ngày lễ toàn cầu để nâng cao nhận thức về giá trị xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của du lịch và những đóng góp mà ngành có thể thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững".

Với chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”, Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili muốn gửi đi thông điệp ngày Du lịch thế giới năm 2021 rằng: “Khi du lịch phát triển, lợi ích mang lại sẽ được lan tỏa tới toàn ngành chúng ta ở từng cấp độ dù đây là lĩnh vực rộng lớn và đa dạng”. Đây được coi là dấu hiệu khởi động lại du lịch thế giới.

Việt Nam hưởng ứng ngày Du lịch thế giới

Ngành du lịch Việt Nam trước việc mở cửa trở lại có vị trí quan trọng trong xu thế hội nhập và phát triển. Trước những thách thức mới từ đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang triển khai các phương án ứng phó, những giải pháp đột phá để phục hồi, phát triển, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Tổng cục Du lịch đã có văn bản số 1272/TCDL-HTQT ngày 16/09/2021 gửi các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước đề nghị triển khai một số hoạt động nhằm hưởng ứng thiết thực, chào mừng ngày Du lịch thế giới.

Theo đó, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm tuyên truyền, phổ biến và hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới năm 2021 gắn với chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”.

Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng rãi về ngày Du lịch thế giới năm 2021 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng địa phương về vai trò của ngành du lịch đối với phục hồi và tăng trưởng bao trùm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau khi khởi động lại ngành du lịch.

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch đến hết năm 2021 và năm tiếp theo. Có thể dự báo tác động của COVID-19 đối với ngành du lịch Việt Nam theo hai kịch bản sau:

Kịch bản 1: Đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong quý III của năm 2021, du lịch bắt đầu phục hồi trong quý IV của năm 2021 và bước vào giai đoạn phát triển bình thường sau đó.

Kịch bản 1 - Tăng trưởng khách du lịch sau đại dịch COVID-19

Kịch bản 1 - Tăng trưởng khách du lịch sau đại dịch COVID-19

Đây là kịch bản tích cực, là sự kỳ vọng của Việt Nam và thế giới. Du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Nếu kịch bản này diễn ra, ngành du lịch Việt Nam có thể nghiên cứu đón khách quốc tế trở lại sau đó và thị trường khách nội địa được phục hồi tương đối ổn định. Biểu đồ tăng trưởng du lịch theo kịch bản này sẽ theo hình chữ “V” - tức tăng trưởng nhanh và liên tục sau đại dịch.

Kịch bản 2: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa thể được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong năm 2021, du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong năm 2021 và năm tiếp theo.

Kịch bản 2 - Tăng trưởng khách du lịch sau đại dịch COVID-19

Kịch bản 2 - Tăng trưởng khách du lịch sau đại dịch COVID-19

Đây là kịch bản xấu có thể xảy ra, ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài trong 2 năm tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn, không thể đón khách quốc tế, khách nội địa tiếp tục chững lại ở mức tương đương năm 2020. Như vậy, tổng thu từ khách du lịch không có biến động nhiều so với năm 2020, thậm chí có thể bị giảm do không có khách quốc tế. Biểu đồ tăng trưởng du lịch theo kịch bản này sẽ theo hình chữ “U”.

Theo đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch, để phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, đặc biệt trong và sau đại dịch toàn cầu COVID-19, ngành du lịch cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” cần tiếp tục được triển khai thực hiện nhưng có ưu tiên, chọn lọc những nhóm giải pháp trọng tâm cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới sau đại địch. Cụ thể là:

Thứ nhất, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong và sau đại dịch.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch sau đại dịch.

Thứ tư, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao.

Thứ năm, tăng cường phối hợp và liên kết ngành

Thứ sáu, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn.

Phục hồi và phát triển ngành du lịch trong hoàn cảnh mới là nhiệm vụ quan trọng của việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”./.

Tin liên quan

Đọc tiếp