Khảo sát của JCER/Nikkei: Kinh tế ASEAN-5 giảm tốc nửa cuối năm 2022

KINH TẾ asean
10:31 - 05/07/2022
Các nền kinh tế của ASEAN-5 dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 5,0% vào năm 2022. Ảnh: Reuters
Các nền kinh tế của ASEAN-5 dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 5,0% vào năm 2022. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo cho nửa cuối năm 2022 đối với các nền kinh tế ASEAN-5 gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Malaysia, do lo ngại tác động từ lạm phát và Fed tăng lãi suất.

Theo khảo sát hàng quý mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei vào tháng 6, mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 5 thành viên ASEAN sẽ đạt 5,0% vào năm 2022. Con số này đã được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó vào tháng 3.

Các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 cho Indonesia, Philippines và Thái Lan khi 3 quốc gia này đều nỗ lực thoát khỏi “bóng đen” đại dịch Covid-19, nối lại các hoạt động kinh tế, kinh doanh và du lịch. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia tăng từ 5,0% lên 5,1%, Philippines tăng lên 6,6%, trước đó là 6,3%, trong khi Thái Lan tăng từ 3,1% lên 3,2%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN-5, Ấn Độ và Trung Quốc. Nguồn: JCER/Nikkei
Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN-5, Ấn Độ và Trung Quốc. Nguồn: JCER/Nikkei

Ông Juniman, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Maybank Indonesia, cho biết: “Tăng trưởng phục hồi của nền kinh tế Indonesia được thúc đẩy bởi sự cải thiện của môi trường kinh tế toàn cầu – yếu tố này đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và đầu tư, đồng thời số ca mắc Covid-19 giảm”.

Mặt khác, dự báo tốc độ tăng trưởng của Malaysia giảm từ 6,1% xuống 6%, trong khi Singapore giảm từ 4,6% xuống 4,3%. Nguyên nhân chính của việc hạ mức dự báo là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Cơ quan này đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,75%, lên 1,5% -1,75% trong cuộc họp tháng 6/2022, thay vì 0,5% như dự kiến ban đầu, nhằm đối phó với tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm qua.

Ngoài ra, Fed cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 từ 2,8% (dự kiến vào tháng 3) xuống 1,7%. Động thái này đã phủ bóng đen lên các nền kinh tế châu Á. Hầu hết các ngân hàng trung ương ở các nước châu Á đang có động thái tăng lãi suất chính sách, dẫn đầu là Ấn Độ, tiếp theo là Malaysia và Philippines.

Ông Vincent Loo Yeong Hong, nhà kinh tế cấp cao tại KAF Research ở Malaysia, lưu ý rằng: “Những đợt tăng lãi suất cao như vậy của Mỹ có khả năng gây ra đợt suy thoái mạnh hoặc giảm tốc trong các nền kinh tế".

Tuy nhiên, Indonesia và Thái Lan dự kiến sẽ sớm tăng lãi suất. Ông Wisnu Wardana, nhà kinh tế tại Bank Danamon Indonesia, nhận định rằng: “Lạm phát tại Indonesia đang gia tăng. Ngân hàng trung ương cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ trong quý III/2022".

Trong khi đó, cơ quan Nghiên cứu Krungsri của Ngân hàng Ayudhya (Thái Lan) cũng cho biết: "Chúng tôi dự đoán lần tăng lãi suất đầu tiên tại Thái Lan sẽ diễn ra trong cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Chính sách tiền tệ vào tháng 8". Cơ quan này khẳng định, tốc độ tăng lãi sẽ chậm hơn so với các nước khác vì mục đích của Thái Lan là duy trì mức lạm phát hơn là làm giảm nhu cầu trong nước.

Bảng xếp hạng rủi ro kinh tế tại các nước châu Á. Nguồn: JCER/Nikkei

Bảng xếp hạng rủi ro kinh tế tại các nước châu Á. Nguồn: JCER/Nikkei

Ngoài việc đồng tiền mất giá liên quan đến lãi suất cao hơn, lạm phát do các yếu tố như giá nguyên vật liệu tăng cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài có khả năng là một rủi ro tiêu cực lớn đối với các nền kinh tế ASEAN trong nửa cuối năm nay. Theo ông Randolph Tan, thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore: "Nền kinh tế Singapore vẫn đang đi trên một quỹ đạo không ổn định do phải đối mặt với rủi ro địa chính trị và ảnh hưởng từ tình hình Ukraine".

Trong bảng xếp hạng rủi ro tiềm tàng đối với các nền kinh tế châu Á, "lạm phát" được xếp hạng ở vị trí số 1 ở cả 6 quốc gia, trong khi đó, "chính sách tiền tệ của Mỹ" được xếp hạng rủi ro thứ 2 ở Indonesia, Malaysia và Singapore. Hầu như không có chuyên gia nào liệt kê "cú sốc Covid-19” là một yếu tố nguy cơ, ngoại trừ Malaysia.

"Kinh tế Trung Quốc giảm tốc" cũng được xếp hạng là một trong những yếu tố rủi ro chính ở Thái Lan, do mối liên kết giữa hai nền kinh tế. Bà Lalita Thienprasiddhi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, cho biết nền kinh tế Trung Quốc "đã tăng trưởng chậm lại đáng kể do chính sách Zero Covid của Bắc Kinh và các đợt phong toả".

Cuộc khảo sát trên được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei thực hiện từ ngày 3/6 đến ngày 23/6, với ý kiến từ 36 nhà kinh tế và nhà phân tích.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.