Khó khăn là sức ép thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, nền kinh tế

DOANH NGHIỆP KINH TẾ
18:08 - 14/12/2022
Tái cấu trúc doanh nghiệp là hướng đi tất yếu trong tình hình mới.
Tái cấu trúc doanh nghiệp là hướng đi tất yếu trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm Covid, giờ phải đối mặt với khó khăn từ nhiều phía. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn tạo sức ép để doanh nghiệp tái cấu trúc, bứt phá vươn lên và nền kinh tế cũng sàng lọc những tế bào yếu kém.

Phát biểu tại Hội thảo “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 14/12, TS Vũ Tiến Lộc (Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định, sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính là động lực để nền kinh tế phát triển trong năm 2023.

Theo vị chuyên gia, năm 2022 là năm rất đặc biệt, với nhiều cảm xúc. 6 tháng đầu năm là bức tranh khá sáng nhưng đến 6 tháng cuối năm thì màu xám nhiều hơn. “Nhìn chung tổng thể, con số vĩ mô nói lên nền kinh tế mùa hè, còn doanh nghiệp như đang trong mùa đông giá lạnh”, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá.

11 tháng đầu năm, Việt Nam đạt kỷ lục doanh nghiệp lập mới với con số 194.000, tăng 33% so với 2021. Đây là tín hiệu tích cực chứng tỏ trong khó khăn, tinh thần khởi nghiệp vẫn rất cao. Nhưng ngược lại, 132.000 doanh nghiệp rút lui, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất từ trước tới nay. Tức là cứ 10 doanh nghiệp thành lập thì 7 rút lui, một con số rất đáng suy nghĩ.

“Các doanh nghiệp mới đều còn trẻ, nhỏ, trong khi các doanh nghiệp rời khỏi thì đã có quá trình phát triển, từng trải, thậm chí nhiều doanh nghiệp quy mô lớn. Bởi vậy, con số không thể nêu hết bản chất hoạt động của cộng động doanh nghiệp. Đó chính là tổn thất của nền kinh tế, không chỉ ở sự lỗ lãi mà là vấn đề tăng trưởng, công ăn việc làm, niềm tin...”, TS Lộc nêu suy nghĩ.

Nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp thời gian qua, vị chuyên gia cho rằng, khó khăn đang chồng chất: Thị trường thu hẹp, thanh khoản khó khăn, lao động thiếu cả về chất và lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá thấp so với thế giới và khu vực. Năm 2020, chỉ có 39,7% doanh nghiệp làm ăn có lãi, 41% lỗ. Trong 2 năm 2021-2022, hiệu quả sản xuất càng thấp vì môi trường khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, nhìn theo cách tích cực, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, va đập với khó khăn khiến những yếu kém trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra, từ đó tạo thành sức ép buộc họ phải đổi mới, tái cấu trúc. Quá trình thanh lọc cũng diễn ra mạnh mẽ hơn. “Đây là giai đoạn để bắt đầu thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp”, vị chuyên gia nhận định.

Năng lực cạnh tranh không còn chỉ là năng suất, giá thành

Bước sang năm 2023, theo TS Vũ Tiến Lộc, khó khăn những tháng cuối năm sẽ tiếp tục, có thể tích cực hơn vào cuối năm. Những biến động phía trước đều rất khó lường, vì vậy cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất là nâng cao năng lực để ứng phó, thích nghi với sự thay đổi, đặc biệt là năng lực cạnh tranh.

Năng lực cạnh tranh là yếu tố hàng đầu của nền kinh tế và doanh nghiệp, thường thể hiện qua năng suất, giá thành. Tuy nhiên giờ đây, năng lực không chỉ hạn hẹp như vậy, phải rộng hơn, tức là có khả năng chống chịu, ứng phó và thích nghi. Muốn vậy, sản xuất phải tiếp cận tư duy kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững với các tiêu chí về môi trường, quản trị, đạo đức, văn hoá kinh doanh. Trách nhiệm chính là con đường độc đạo, giúp doanh nghiệp trụ vững tốt hơn trong bối cảnh khủng hoảng. TS Vũ Tiến Lộc

Ngoài ra, trong kế hoạch tái cấu trúc giai đoạn tới, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp cần chú ý đến chuyển đổi số, nâng cao năng lực pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh, chú trọng thị trường nội địa…

Trong đó, chuyển đổi số cần hiểu đúng đắn, vì hiện nay đa số mới chỉ hiểu là ứng dụng thông tin như mua máy tính, kinh doanh online... Bản chất là chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị và phương thức sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động. Phải bắt đầu từ những ngành khoa học cơ bản, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện tạo môi trường.

Giải quyết nút thắt thể chế

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực, dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%.

Bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Fed…

Ông Hùng cho rằng, khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn. PGS.TS Hồ Sỹ Hùng

Xét về tổng thể, theo PGS Hồ Sỹ Hùng, điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục…

Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng, nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng. Thực tế, một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ...

Tin liên quan

Đọc tiếp