Kỳ vọng lớn từ đầu tư công

VĨ MÔ Việt nAM
20:22 - 23/03/2022
Kỳ vọng lớn từ đầu tư công
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng chỉ đạo: “Tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm 2022-2023 là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong không khí khẩn trương đó, phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cũng đã thông tin, cơ bản các bộ ngành đang đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo đó, trong cấu phần Chương trình phục hồi, 113,85 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng. Giới chuyên gia kỳ vọng đầu tư công sẽ là một trong những trụ cột chính cho phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Do vậy, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của nhiều bộ ngành từ đầu năm nay.

Giải ngân đầu tư công: quyết tâm là làm được

Nhìn lại thời điểm hết 11 tháng năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính khi đó, giải ngân vốn NSNN mới đạt khoảng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong bối cảnh đại dịch.

Sốt ruột trước tiến độ giải ngân đầu tư công chậm trễ, liên tục trong những ngày cuối năm 2021, Chính phủ, Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan liên tục đốc thúc giải ngân. 6 Tổ công tác của Chính phủ được lập ra nhằm đôn đốc giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương “ì ạch”.

Tinh thần làm việc gấp rút và khẩn trương lan tỏa khắp hệ thống cùng với những nỗ lực thực chất đã mang lại kết quả bất ngờ. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/1/2022, tức thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2021 đạt trên 431.188 tỷ đồng, tương đương 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân 6 tháng cuối năm đạt 64,45% kế hoạch cả năm, một con số bất ngờ và cao hơn cả tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái là 64,04%.

Trong bối cảnh đất nước trải qua làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đây là kết quả hết sức ấn tượng, tạo tiền đề tích cực để đạt mục tiêu giải ngân bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến quy chế, thể chế để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Trong đó, nổi cộm là vướng mắc trong khâu đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Theo quy định, công tác đấu thầu yêu cầu trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều bước. Và thông thường mất khoảng hơn 4 tháng mới có thể ký kết hợp đồng, tiến tới khởi công xây dựng. Đó là chưa kể tới đâu đó vẫn còn tình trạng tổ chức đấu thầu chưa minh bạch, lựa chọn nhà thầu không đủ chất lượng… làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đấu thầu, giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ dự án được xem là một trong những hạn chế với công tác giải ngân đầu tư công.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thực tế cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Ngoài ra, cũng còn nhiều những chồng chéo, khó khăn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Ngoài ra, có tình trạng dự án đã hoàn thành khối lượng nhưng chưa hoàn thành chứng từ để thực hiện các thủ tục kiểm soát chi, rút vốn; ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Vướng mắc này chủ yếu do các nguyên nhân liên quan đến hồ sơ nghiệm thu khối lượng chưa thống nhất, phải rà soát lại…

Thay đổi tư duy, phát huy nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề năm 2022

Năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công là rất nặng nề. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rất rõ: “Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm 2022-2023 là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhận định giải ngân đầu tư công là động lực thúc đẩy phục hồi nhưng cũng là nhiệm vụ gian nan hơn cả, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Bộ KH&ĐT đã liên tục ra các văn bản điều hành đốc thúc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, mà theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo là tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3/3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%) và là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Về cơ bản, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu tích cực, khả quan, cho thấy các giải pháp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, cần tiếp tục phát huy trong những tháng tới, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được Quốc hội quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

“1 luật sửa 8 luật” đã được thông qua. 3 cơ chế đặc thù đã được Quốc hội phê duyệt trong khuôn khổ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội: Cơ chế chỉ định thầu; Cơ chế quy định thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản với nhà thầu thi công và Cơ chế phân cấp phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. Tất cả đều hỗ trợ tiến độ giải ngân đầu tư công thông thoáng và hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn cần hành động nhiều hơn nữa. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đưa ra một số giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Về phía cơ quan quản lý, cần quyết liệt kiểm soát giá vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng thao túng giá, gây ảnh hưởng đến hiệu quả và giải ngân nguồn vốn dự án đầu tư công và theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của từng dự án.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm, gây khó khăn, chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía chủ đầu tư, cần chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu; đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn vào cuối năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.