Lợi nhuận 2021 của VietinBank vượt kế hoạch, kỳ vọng tăng trưởng 20% trong năm 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
18:27 - 06/01/2022
Lợi nhuận 2021 của VietinBank vượt kế hoạch, kỳ vọng tăng trưởng 20% trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, Vietinbank đặt mục tiêu: Tổng tài sản tăng trưởng từ 6-10%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng tối đa 7%; Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế & dân cư tăng trưởng 8-12%; Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 1,5%; Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 16.800 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho hay, tính đến hết ngày 31/12/2021, tín dụng VietinBank tăng 12,3% so với năm 2020. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%; nguồn vốn CASA tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Tỷ trọng tiền gửi CASA/tổng nguồn vốn năm 2021 đạt 20%.

Mặc dù chưa tiết lộ con số lợi nhuận hợp nhất, song theo lãnh đạo CTG, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Chưa kể trong năm 2021, VietinBank cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ.

Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 3/2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.060 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, VietinBank lãi hợp nhất 17.085 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2019 và vượt 64% kế hoạch đề ra.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản VietinBank là 1,34 triệu tỷ đồng. Còn quy mô tổng tài sản của ngân hàng tại 30/9/2021 là 1,447 triệu tỷ đồng. Như vậy là tăng 7,9%.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng báo cáo kết quả kinh doanh của VietinBank trong năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng báo cáo kết quả kinh doanh của VietinBank trong năm 2021.

Năm 2022, VietinBank đã xây dựng một số mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, mục tiêu dự kiến năm nay là: Tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; Tín dụng tăng khoảng 10% - 14%; Nguồn vốn huy động tăng 10% - 12%; Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ với mức tăng 10% - 20%.

“Big 4” kinh doanh ra sao trong năm 2021?

Tới thời điểm hiện tại, trong nhóm “Big 4” (4 ngân hàng quốc doanh) thì mới chỉ có VietinBank công bố tình hình kinh doanh trong năm 2021 sơ bộ như trên. Còn dựa theo các báo cáo 9 tháng, quý trước đó thì Vietcombank vẫn được cho là quán quân về lợi nhuận.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Vietcombank (mã chứng khoán VCB) cho thấy, nhà băng dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận 9 tháng với 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ và cũng là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong quý.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5%, đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4%, đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 1,16% trên tổng dư nợ.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 23.068 tỷ đồng, tương đương quy mô như năm 2019. Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12%, tương đương lên 25.200 tỷ đồng.

7 ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2021.

7 ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2021.

Còn BIDV (mã cổ phiếu BID), báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 đã loại nhà băng khỏi top 5 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý của BIDV chỉ đạt 2.674 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do chi phí dự phòng tăng lên mức 7.502 tỷ đồng, cao hơn 30% so với cùng kỳ, chiếm tới 74% lợi nhuận thuần từ các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Mặc dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, BIDV vẫn lãi trước thuế 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, nhà băng lãi 8.583 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của BIDV đạt 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%; cho vay khách hàng tăng 9,4%; huy động vốn tăng 6,8% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% hồi đầu năm xuống 1,61%.

Trong cuộc họp Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng vào cuối năm, BIDV hé lộ kết quả kinh doanh năm 2021 đạt mức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Hồi đầu năm, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 13.000 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2020.

Tương tự BIDV, Agribank cũng tiết lộ năm 2021 đạt mức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu năm 2021 lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 10% so với năm 2020 (năm 2020 đạt lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng).

Tính đến hết quý 3/2021, lợi nhuận sau thuế của Agribank đạt 10.539 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 9.804 tỷ đồng. Trong năm 2021, Agribank đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam giảm lãi "khủng" để hỗ trợ khách hàng. Tổng số tiền lãi đã giảm là hơn 5.200 tỷ đồng, cho gần 3,2 triệu khách hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.