Mỹ phê duyệt khẩn cấp việc bán vũ khí cho Israel

Vũ khí MỸ
09:53 - 30/12/2023
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29/12 phê duyệt việc bán vũ khí khẩn cấp cho Israel không thông qua Quốc hội. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29/12 phê duyệt việc bán vũ khí khẩn cấp cho Israel không thông qua Quốc hội. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/12 không thông qua Quốc hội khi phê duyệt việc bán vũ khí khẩn cấp cho Israel, trong bối cảnh các chiến dịch chống lại lực lượng Hamas đang hứng chịu nhiều sự chỉ trích của quốc tế.

Trong một tuyên bố hôm 29/12 được hãng tin AP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố trước Quốc hội rằng ông đã đưa ra quyết định khẩn cấp thứ hai liên quan đến việc bán các thiết bị trị giá 147,5 triệu USD cho Israel.

Cụ thể, thông báo này cho biết: “Do nhu cầu phòng thủ cấp bách của Israel, Bộ trưởng Ngoại giao đã thông báo với Quốc hội rằng ông đã thực hiện quyền được ủy quyền của mình để xác định tình trạng khẩn cấp cần phải phê duyệt ngay lập tức việc chuyển giao”.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là đảm bảo Israel có thể tự vệ trước những mối đe dọa mà nước này phải đối mặt”.

Quyết định khẩn cấp có nghĩa là việc mua bán sẽ được phép bỏ qua yêu cầu xem xét của Quốc hội đối với việc bán thiết bị quân sự ra nước ngoài. Động thái này đánh dấu lần thứ hai trong tháng 12 này chính quyền Mỹ phê duyệt việc bán vũ khí cho Israel. Ngày 9/12 trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra quyết định tương tự khi phê duyệt việc bán cho Israel gần 14.000 viên đạn xe tăng trị giá hơn 106 triệu USD.

Cả hai động thái đều diễn ra trong bối cảnh yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về gói viện trợ gần 106 tỷ USD cho Ukraine, Israel và các nhu cầu an ninh quốc gia khác vẫn bị đình trệ tại Quốc hội. Nguyên nhân là do yêu cầu này vướng vào cuộc tranh luận về chính sách nhập cư và an ninh biên giới của Mỹ.

Quyết định của Mỹ vấp phải sự phản đối quốc tế. Đáp trả lại việc này, một số nhà lập pháp Đảng Dân chủ cho biết việc đưa ra đề xuất hỗ trợ trị giá 14,3 tỷ USD của Mỹ trong khuôn khổ gói viện trợ 106 tỷ USD cho Israel dựa trên các bước đi cụ thể của chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm giảm thương vong cho dân thường ở Gaza trong cuộc chiến với Hamas.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/12 cũng nhấn mạnh rằng quốc gia này thường xuyên liên lạc với Israel để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu thương vong dân sự, vốn đã tăng vọt kể từ khi Israel bắt đầu các chiến dịch tấn công Gaza nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hamas ở Israel vào ngày 7/10.

AP trích dẫn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh với chính phủ Israel rằng họ không chỉ phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế mà còn phải thực hiện mọi bước khả thi để ngăn chặn tổn hại cho dân thường”,

Theo cơ quan này, “Hamas ẩn sau dân thường và hòa nhập vào dân chúng, nhưng điều đó không làm giảm bớt trách nhiệm và mệnh lệnh chiến lược của Israel trong việc phân biệt giữa dân thường và Hamas khi họ tiến hành các hoạt động quân sự của mình”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định chiến dịch của Israel “chỉ có thể chiến thắng bằng cách bảo vệ dân thường”.

Việc đưa ra các quyết định khẩn cấp về việc bán vũ khí trong khi bỏ qua Quốc hội là một bước bất thường luôn vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp. Hồi tháng 5/2019, Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó là ông Mike Pompeo đã đưa ra quyết định khẩn cấp về việc bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia, UAE và Jordan.

Động thái này của ông Pompeo đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề do có thể vi phạm luật do nhiều vũ khí liên quan vẫn chưa được chế tạo và không thể giao gấp. Tuy nhiên, một cuộc điều tra nội bộ sau đó đã đưa ra kết luận ông không vi phạm.

Chính quyền Tổng thống George H.W. Bush cũng đã từng sử dụng quyền này để nhanh chóng chuyển vũ khí cho Saudi Arabia.

Đọc tiếp