Mỹ tung đòn trừng phạt 120 cá nhân, tổ chức hỗ trợ Nga

chiến sự Nga - Ukraine
11:27 - 13/04/2023
Mỹ thông báo trừng phạt 120 thực thể có liên quan đến Nga. Ảnh: Rappler
Mỹ thông báo trừng phạt 120 thực thể có liên quan đến Nga. Ảnh: Rappler
0:00 / 0:00
0:00
Giới chức Mỹ ngày 12/4 thông báo áp lệnh trừng phạt đối với những thực thể hỗ trợ tài chính hoặc giúp Nga né lệnh trừng phạt trên khắp thế giới, bao gồm ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Theo Reuters, các lệnh trừng phạt do Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với giới chức Anh, nhằm vào các cá nhân và tổ chức có liên quan đến Nga tại hơn 20 quốc gia.

Một trong những mục tiêu chính của lệnh trừng phạt là tỷ phú Nga Alisher Usmanov – người được Bộ Tài chính Mỹ mô tả là “sở hữu mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại những thiên đường tài chính”. Cơ quan này cho rằng ông Usmanov “thực hiện các giao dịch tài chính thông qua thành viên gia đình nhằm né các biện pháp trừng phạt”.

Mỹ tung đòn trừng phạt 120 cá nhân, tổ chức hỗ trợ Nga ảnh 1

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ cho biết họ nhắm mục tiêu vào công ty USM Holdings của tỷ phú Usmanov và các công ty trực thuộc gồm nhà điều hành viễn thông Nga Megafon, nhà sản xuất quặng sắt Metalloinvest cùng các công ty con có trụ sở tại Thụy Sĩ và UAE, nhà điều hành dự án đồng Udokan có trụ sở tại Nga và nhà sản xuất xi măng Akhangarancement có trụ sở tại Uzbekistan.

USM Holdings tuyên bố các hành động của Mỹ là “không công bằng và vô căn cứ” vì tỷ phú Usmanov đã từ bỏ hoạt động kinh doanh từ lâu và không tham gia quản lý công ty.

Việc đưa Megafon, một trong 4 nhà khai thác viễn thông lớn của Nga, đánh dấu một sự thay đổi của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, khi chưa nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này.

Văn phòng báo chí của Megafon cho biết họ coi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "một quyết định không công bằng, bất hợp pháp và không có cơ sở".

Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng nhắm vào công ty quân sự tư nhân Patriot, cáo buộc công ty này có liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và cạnh tranh với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của ông Yevgeny Prigozhin.

Giới chức Mỹ cũng đưa 4 thực thể và một cá nhân thuộc tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Nga Rosatom vào danh sách trừng phạt, cho rằng họ “sử dụng xuất khẩu năng lượng để gây áp lực chính trị và kinh tế đối với khách hàng”.

Trong danh sách 120 thực thể bị trừng phạt còn có HEAD Aerospace Technology, công ty hàng không vũ trụ có trụ sở tại Trung Quốc. Washington cáo buộc công ty này cung cấp ảnh vệ tinh về các địa điểm tại Ukraine cho những thực thể có liên hệ với tập đoàn Wagner và người đứng đầu Prigozhin.

Bên cạnh đó, Mỹ thông báo trừng phạt công ty King-Pai Technology HK có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cáo buộc đây là nhà cung cấp cho nhiều thực thể trong khu liên hợp công nghiệp quân sự của Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) có trụ sở tại Budapest (Hungary). Đây là một ngân hàng có phần lớn quyền sở hữu của Nga, nhưng đã bị một số nước châu Âu đã cắt đứt quan hệ.

Washington cũng trừng phạt ít nhất 4 thực thể có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng họ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cũng như hỗ trợ chiến dịch nhằm vào Ukraine của Nga.

“Mỹ sẽ tiếp tục hành động chống lại Nga và những nước ủng hộ cuộc chiến của họ tại Ukraine”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong tuyên bố tại cuộc họp của G7 ngày 12/4.

Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trừng phạt của của Mỹ.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây đã tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây thiệt hại cho kinh tế Nga nhằm cắt đứt nguồn tài chính phục vụ chiến dịch quân sự của nước này.

Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc áp trần đối với giá dầu và dầu diesel của Nga, đóng băng các quỹ của Ngân hàng Trung ương Nga và hạn chế quyền truy cập vào SWIFT - hệ thống chi phối các giao dịch tài chính toàn cầu, phong tỏa tài sản của nhiều công ty và công dân Nga.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận cho tới hiện tại không giúp ích nhiều trong việc buộc Điện Kremlin rút khỏi cuộc xung đột. Trên thực tế, hàng loạt các gói cấm vận liên tục dồn lên Moscow trong năm 2022 vẫn chưa thành công khiến nền kinh tế Nga tan vỡ như những gì mà phương Tây dự đoán từ đầu chiến sự.

Giới chức Nga tuyên bố nền kinh tế nước này dù phải chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn sẽ sống sót và hoàn toàn thích nghi vào năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp