Năm 2023 Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%

KINH TẾ TRUNG QUỐC
12:44 - 05/03/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại phiên khai mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/3/2023. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại phiên khai mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/3/2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) khai mạc ngày 5/3, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn khoảng 5% năm 2023 sau khi thất bại trong mục tiêu kinh tế năm 2022.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc khai mạc trong bối cảnh an ninh được thắt chặt ở thủ đô Bắc Kinh với 2.948 đại biểu tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở phía tây của Quảng trường Thiên An Môn.

Trong phiên họp, cơ quan lập pháp của Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về kế hoạch cải cách các thể chế thuộc Hội đồng Nhà nước, và quyết định các chức vụ mới trong 5 năm tới sau khi một số nhà lãnh đạo sẽ nghỉ hưu, theo chương trình nghị sự của cuộc họp.

Ngoài ra, Đại hội còn là một cửa sổ quan trọng để nhìn vào các chính sách của chính quyền trung ương về các lĩnh vực từ kinh tế và thương mại đến ngoại giao, khoa học và công nghệ. Đây là cuộc họp NPC đầu tiên kể từ khi Trung Quốc chính thức bỏ chính sách zero-Covid hồi tháng 12/2022.

Theo Reuters, GDP Trung Quốc năm 2022 chỉ tăng trưởng 3%, đánh dấu một trong những thành tích trì trệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đây là kết quả của 3 năm thực hiện chính sách phòng dịch Covid-19 nghiêm khắc, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu xuất khẩu suy yếu.

Do đó trong báo cáo khai mạc Đại hội của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của ổn định kinh tế, mở rộng tiêu dùng và mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở các thành thị Trung Quốc trong năm 2023 so với con số 11 triệu của năm 2022.

Ngoài ra, ông cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% và thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP, mở rộng từ mục tiêu khoảng 2,8% vào năm ngoái. Trong bài phát biểu cho sự kiện chính trị quan trọng kéo dài tới 13/3, ông cho biết: "Thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn nên được thúc đẩy thông qua nhiều kênh. Chúng ta nên ổn định chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn và thúc đẩy phục hồi tiêu dùng dịch vụ tiêu dùng".

Mục tiêu 5% này của chính phủ Trung Quốc được coi như thấp so với kỳ vọng do một số dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế thậm chí còn đưa ra dự đoán cao tới 6%. Đồng thời, nó cũng thấp hơn con số 5,5% của năm 2022.

Nhận định về mục tiêu này, ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại tổ chức Guotai Junan International đánh giá, dù mục tiêu tăng trưởng chính thức đã bị hạ xuống trong năm thứ 2 liên tiếp và điều này có thể gây thất vọng cho thị trường, các nhà đầu tư vẫn nên chú ý đến đà tăng trưởng cơ bản để đánh giá tốc độ phục hồi".

Quang cảnh Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu. Ảnh: Xinhua

Quang cảnh Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu. Ảnh: Xinhua

Ở một diễn biến khác, ông Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc huấn luyện quân sự và tăng cường khả năng chuẩn bị đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ tăng 7,2% ngân sách cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2023, mức tăng lớn hơn một chút so với mức tăng 7,1% trong ngân sách năm ngoái.

Hiện Bắc Kinh đang phải đối mặt với một loạt thách thức bao gồm mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ cũng như triển vọng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ gây ra bởi tỷ lệ sinh giảm và dân số giảm vào năm 2022 - lần suy giảm dân số đầu tiên trong 6 thập kỷ.

Để đối phó với vấn đề này, Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân, ví dụ như giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và chi phí giáo dục. Đồng thời, chính phủ cùng chính quyền từng địa phương tích cực ứng phó với tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm bằng các biện pháp linh hoạt.

Đọc tiếp