NASA có thể bắt đầu khai khoáng trên Mặt trăng trong thập kỷ tới

Tài nguyên Mặt trăng
15:33 - 28/06/2023
Tên lửa Mặt trăng thế hệ tiếp theo của NASA - tên lửa SLS - cùng tàu Orion cất cánh từ tổ hợp phóng 39-B trong sứ mệnh Artemis I tại Cape Canaveral, Florida, Mỹ ngày 16/11/2022. Ảnh: Reuters
Tên lửa Mặt trăng thế hệ tiếp theo của NASA - tên lửa SLS - cùng tàu Orion cất cánh từ tổ hợp phóng 39-B trong sứ mệnh Artemis I tại Cape Canaveral, Florida, Mỹ ngày 16/11/2022. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhà khoa học Gerald Sanders của NASA, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đang tìm cách phát triển các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng như oxy cùng nước và đã thực hiện các bước đầu tiên với mục tiêu khai thác khoáng sản trên vệ tinh này vào năm 2032.

Tiếp nối sứ mệnh Apollo khoảng 50 trước, NASA trong những năm tới đang có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng như một phần của sứ mệnh Artemis. Theo kế hoạch, sứ mệnh Artemis đang nhắm tới mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng vào cuối thập kỷ này và cuối cùng thiết lập một tiền đồn bền vững ở đó như một bước đệm cho hoạt động khám phá sao Hỏa của con người trong tương lai.

Hồi tháng 12/2022, nhiệm vụ khởi động Artemis I đã hoàn thành, đánh dấu màn ra mắt tên lửa SLS của NASA và tàu vũ trụ Orion mới. Nhiệm vụ này là một chuyến bay thử nghiệm không người lái kéo dài 25 ngày. Tới năm 2024, sứ mệnh Artemis II dự kiến sẽ mang theo 4 phi hành gia sẽ bay quanh Mặt trăng trong 10 ngày và trở lại.

Nếu Artemis II thành công, NASA có kế hoạch vài năm sau sẽ thực hiện một cuộc đổ bộ chưa từng có lên cực nam của Mặt trăng với các phi hành gia, một trong số họ là phụ nữ, trên sứ mệnh Artemis III. Các nhiệm vụ có phi hành đoàn sau đó sẽ diễn ra khoảng mỗi năm một lần.

Thông qua việc thực hiện các chuyến đi này, sứ mệnh Artemis còn có một nhiệm vụ khác là thúc đẩy các cơ hội thương mại trong không gian. Nhận định tại một hội nghị khai thác mỏ ở Brisbane, ông Gerald Sanders, một nhà khoa học tên lửa tại Trung tâm Vũ trụ Johnston của NASA cho biết cơ quan này đang tìm cách định lượng các nguồn tài nguyên tiềm năng như năng lượng, nước và đất Mặt trăng để thu hút đầu tư thương mại.

Theo Reuters trích dẫn ông, việc phát triển khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng sẽ là chìa khóa để cắt giảm chi phí và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Ông khẳng định: "Chúng tôi đang cố gắng đầu tư vào giai đoạn thăm dò, tìm hiểu các nguồn tài nguyên để giảm thiểu rủi ro sao cho đầu tư bên ngoài có ý nghĩa, từ đó có thể dẫn đến phát triển và sản xuất”.

Về tiến độ, ông cho biết NASA mới chỉ đang ở những bước đầu tiên. Tới cuối tháng này, NASA có dự kiến gửi một giàn khoan thử nghiệm lên Mặt trăng và lên kế hoạch khai quật đất Mặt trăng, hoặc regolith, hướng tới việc xây dựng một nhà máy xử lý thí điểm vào năm 2032.

Regolith không chỉ hữu ích cho việc lưu trữ nhiệt và phát điện mà còn có tác dụng to lớn trong việc xây dựng môi trường sống trong tương lai, làm nguồn cung cấp oxy hoặc khoáng chất và thậm chí để chế tạo các vật dụng hàng ngày như công cụ.

Theo ông Sanders, những khách hàng đầu tiên dự kiến sẽ là các công ty tên lửa thương mại có thể sử dụng tài nguyên của Mặt trăng để làm nhiên liệu tên lửa hoặc oxy. Ông Samuel Webster, trợ lý giám đốc của NASA, bổ sung rằng Cơ quan Vũ trụ Australia cũng đang tham gia phát triển một xe tự hành bán tự động nhằm thu thập các mẫu regolith trong một sứ mệnh của NASA vào đầu năm 2026.

Ông cho biết bằng cách sử dụng các thiết bị riêng biệt được gửi lên Mặt trăng cùng với xe tự hành, NASA sẽ nhằm mục đích chiết xuất lượng oxy đó. Phát biểu tại hội nghị, ông khẳng định đây là “một bước quan trọng hướng tới việc thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt trăng, cũng như hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai”.

Trên thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển của loài người luôn dựa vào nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái Đất. Tuy nhiên Mặt trăng cũng có tiềm năng nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm quan trọng cho việc định hình tương lai của địa cầu.

Tuy nhiên, để việc khai thác tài nguyên trên Mặt trăng thành hiện thực, con người sẽ cần thiết lập các cơ sở hạ tầng trước. Một giải pháp cho vấn đề này tới từ sản xuất vật liệu ngay tại đây sử dụng máy in 3D. Việc sử dụng các công cụ khai thác hiệu quả và chỉ yêu cầu sự giám sát tối thiểu của con người cũng đóng vai trò trọng yếu.

Ngoài ra, con người cũng cần thiết lập cơ sở lưu trữ khí dành cho mục đích năng lượng, ví dụ như helium-3 có sẵn tại mặt trăng, do việc chuyển một lượng lớn đất Mặt trăng trở lại Trái Đất để xử lý là không thực tế.

Đọc tiếp