Ngân hàng Thế giới khuyến nghị quản lý chặt di cư toàn cầu

Di cư THẾ GIỚI
08:53 - 26/04/2023
Người di cư Venezuela tại Columbia. Ảnh: Reuters
Người di cư Venezuela tại Columbia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ngân hàng Thế giới ngày 25/4, tình trạng già hóa tại các nước giàu và thu nhập trung bình sẽ khiến nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào lao động di cư, đồng thời khuyến nghị việc này cần được quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Reuters trích dẫn Báo cáo Phát triển Thế giới công bố ngày 25/4, Ngân hàng Thế giới cho biết có khoảng 184 triệu người trên toàn cầu đang sống ở các quốc gia mà họ không có quyền công dân, với 43% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 37 triệu người trong con số trên là người tị nạn - một tỷ lệ đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, một số quốc gia lại đang phải đối mặt với sự sụt giảm dân số nhanh chóng trong độ tuổi lao động và có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào lao động di cư.

Một ví dụ có thể kể tới là Tây Ban Nha khi dân số trong độ tuổi lao động tại quốc gia này dự kiến sẽ giảm hơn 30% vào năm 2100 và số người trên 65 tuổi tăng lên gần 40% dân số từ mức 20% của hiện tại. Các quốc gia khác như Mexico, Thái Lan, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng sẽ cần nhiều lao động nước ngoài hơn trong tương lai gần do dân số của các nước này không còn tăng nữa.

Tuy nhiên, các phong trào di cư xuyên biên giới lại càng trở nên phức tạp hơn, với các quốc gia tiếp nhận và quốc gia xuất xứ trải rộng khắp mọi mức thu nhập theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Nhận định về tầm quan trọng của quản lý người di cư, Giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg trong cùng ngày cho biết: "Di cư có thể là một động lực mạnh mẽ cho sự thịnh vượng và phát triển. Khi được quản lý đúng cách, nó có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - ở cả xã hội gốc và xã hội đích”.

Để thực hiện được mục tiêu này, báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thực hiện các biện pháp nhằm ghép nối một cách phù hợp các kỹ năng của người di cư với nhu cầu ở các nước tiếp nhận. Đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh việc bảo vệ người tị nạn và giảm thiểu nhu cầu di chuyển trong khó khăn. Lợi ích sẽ được gia tăng đối với cả quốc gia tiếp nhận và người di cư khi kỹ năng của họ phù hợp tốt với nhu cầu ở quốc gia điểm đến.

Trong trường hợp sự phù hợp về kỹ năng không cao và người di cư không phải người tị nạn, sẽ có nhiều khó khăn và thách thức về chính sách nảy sinh. Trong nhiều trường hợp, việc này sẽ dẫn tới khả năng người di cư bị trục xuất và các quốc gia trung chuyển chịu áp lực.

Do đó, báo cáo cho biết cần có những nỗ lực phát triển quốc tế mạnh mẽ hơn ở các nước xuất xứ để giảm nhu cầu di cư do khó khăn kinh tế. Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định chi phí tiếp cận người di cư nên được chia sẻ đa phương.

Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới chia sẻ các quốc gia xuất xứ nên coi di cư lao động là một phần rõ ràng trong chiến lược phát triển của mình, từ đó kêu gọi hợp tác để giảm chi phí kiều hối cho các gia đình ở quê nhà, tạo điều kiện chuyển giao kiến thức từ cộng đồng kiều bào của họ ở nước ngoài và xây dựng các kỹ năng đang có nhu cầu trên toàn cầu.

Trong khi đó, các quốc gia tiếp nhận được khuyên nên khuyến khích di cư từ các nhóm dân số có nhu cầu cao về kỹ năng mà nước mình đang cần, đồng thời bổ sung rằng các công cụ tài chính mới được phát triển đa phương để giúp chăm sóc những người không phải là công dân.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.