Nguy cơ lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm vào cuối năm

Dịch bệnh Động vật
15:00 - 03/11/2023
Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 3/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, hiện Việt Nam có nhiều thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch bệnh về thú y. Trong đó, các đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT và Cục Thú y tại các địa phương đã phát hiện những bất cập, tồn tại ở các cơ sở. Từ đó, tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo khắc phục những tồn tại hoặc sửa đổi chính sách kịp thời.

Công tác thú y được UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn, huy động các ngành chức năng của địa phương hỗ trợ, phối hợp với ngành thú y xử lý dịch bệnh chủ động và hiệu quả hơn.

Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước trong giám sát dịch bệnh động vật, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đã được áp dụng có hiệu quả vào công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực thú y.

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế đang có, ông Minh cho rằng tình hình phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc tuyên truyền, cập nhật thông tin và các văn bản chỉ đạo về công tác thú y ở các địa phương còn chậm, đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã chưa chủ động lập kế hoạch và bố trí đủ kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Công tác tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y chưa được thực hiện thường xuyên. Quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu...

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Nguy cơ cao lây lan dịch bệnh gia cầm, gia súc vào các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới vẫn ở mức cao. Trong đó, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Virus dịch bệnh này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi…

Bên cạnh đó, dù Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.

Thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi là một trong số dịch bệnh có nguy cơ tái phát và lây lan trên phạm vi rộng. Ảnh minh họa: VGP

Thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi là một trong số dịch bệnh có nguy cơ tái phát và lây lan trên phạm vi rộng. Ảnh minh họa: VGP

Đối với dịch cúm gia cầm, tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine. Virus cúm gia cầm (các chủng virus A/H5 bao gồm H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới.

Nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Đối với dịch bệnh lở mồm long móng, sau 3 năm (2020 – 2022) dịch bệnh này đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương và chủ gia súc có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc mới, đàn gia súc đã hết miễn dịch, đặc biệt tại các vùng ổ dịch cũ như Cao Bằng, Sơn La.

Sử dụng gia súc giống không rõ nguồn gốc, chưa tiêm phòng triệt để vaccine phòng bệnh lở mồm long móng (kể cả giống gia súc do các chương trình cho tặng cũng nhiễm mầm bệnh). Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng mạnh...

10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, bệnh dịch tả lợn Châu phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%. Bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%. Bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

Đọc tiếp