Nguy cơ về gian lận thương mại trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc

Gỗ Việt nAM
21:53 - 03/12/2021
Các nguy cơ về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam
Các nguy cơ về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Tiềm ẩn rủi ro về tính pháp lý và nguồn gốc xuất xứ khi nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về Việt Nam đang là báo động lớn của ngành gỗ. 

Chiều 3/12, các chuyên gia tại cuộc tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai” cho rằng, cần quan tâm đến cơ cấu các mặt hàng xuất, nhập khẩu gỗ và đặc biệt tỉnh táo trước các nguy cơ về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu gỗ giữa Việt Nam - Trung Quốc

Phác họa những nét nổi bật trong quan hệ thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc từ 2018 đến tháng 09/2021, ông Tô Xuân Phúc, đại diện nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, kim ngạch thương mại song phương về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, với cán cân thương mại hiện đang nghiêng về phía Việt Nam.

Nhưng tỷ lệ này đang thay đổi. Năm 2018, kim ngạch Trung Quốc xuất khẩu gỗ sang Việt Nam tương đương 48% kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2019 tỷ lệ này là 54%, năm 2020 tăng lên 70% và duy trì ở mức này trong 9 tháng đầu năm 2021.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nhóm gỗ nguyên liệu. Mặt hàng ván bóc và sản phẩm gỗ có biến động số liệu rất lớn. Ván bóc tăng từ 0,12% năm 2018 lên 12,34% vào 09/2021. Trong khi đó sản phẩm gỗ là sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn lại giảm sâu từ 15,96% năm 2018 xuống 5,51% tính đến tháng 9/2021.

Trung Quốc là thị trường khổng lồ về tiêu thụ đồ gỗ và đang đóng cửa rừng tự nhiên do đó nhu cầu về gỗ nguyên liệu rất lớn. Trung Quốc là một trong ba thị trường quan trọng nhất của Việt Nam (sau thị trường Mỹ và Nhật Bản).

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng từ khoảng 1 tỷ USD năm 2018 lên trên 1,2 tỷ USD năm 2019, sau đó giảm nhẹ vào năm 2020.

Cơ cấu mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo giá trị. Ảnh trích xuất tọa đàm

Cơ cấu mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo giá trị. Ảnh trích xuất tọa đàm

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng gỗ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đa dạng hơn các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này. Trừ mặt hàng gỗ tròn, các mặt hàng nhập khẩu còn lại có sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Ba mặt hàng có lượng nhập tăng nhanh nhất là gỗ dán, ván bóc/lạng và ván sợi.

Cụ thể, lượng gỗ dán nhập khẩu tăng từ gần 409.000 m3 năm 2018 lên tới gần 558.000 m3 năm 2020. Lượng nhập 9 tháng năm 2021 cao hơn cả lượng nhập năm 2018. Đối với mặt hàng ván sợi, lượng năm 9 tháng đầu 2021 đạt gần 344.000 m3, tăng 4,2 lần so với lượng nhập năm 2018. Lượng ván bóc nhập khẩu năm 2020 đạt gần 220.000 m3, tăng 1,6 lần so với lượng nhập năm 2018.

Cơ cấu mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc theo giá trị. Ảnh trích xuất tọa đàm
Cơ cấu mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc theo giá trị. Ảnh trích xuất tọa đàm

Báo động gian lận xuất xứ

Theo ông Tô Xuân Phúc, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nhóm gỗ nguyên liệu.

Các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gồm ván bóc, ván lạng, sản phẩm gỗ và gỗ dán là nhóm mặt hàng tiềm ẩn rủi ro về tính pháp lý và nguồn gốc xuất xứ. Nguyên nhân do một lượng ván bóc, ván lạng của Trung Quốc làm từ gỗ nhập khẩu từ Nga và Châu Phi, có rủi ro về mặt pháp lý và ván dán của Trung Quốc là mặt hàng bị Chính phủ Hoa Kỳ điều tra.

“Nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Lý do Việt Nam tiếp tục nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc là do năng lực sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam còn hạn chế, cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra. Tương tự như nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại”, ông Tô Xuân Phúc cho hay.

Điển hình, một doanh nghiệp sản xuất tủ bếp của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam đang bị Chính phủ Hoa Kỳ điều tra vì nghi ngờ gian lận xuất xứ. Đây là những cảnh báo được ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nêu ra tại hội thảo.

Ảnh tác giả

“Những nguyên liệu gỗ Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc dùng để sản xuất tủ bếp và sofa. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này của Trung Quốc và chuyển dịch về phía Việt Nam khi chính chúng ta đang nhập khẩu ngày càng tăng về số lượng. Đây là báo động rất lớn của ngành gỗ cần sớm đề phòng, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest

Thông tin về tình hình quản lý hải quan với mặt hàng rủi ro trong gian lận thương mại khi nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc, bà Nguyễn Phạm Như Hà, Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã nhận thức được những tiềm ẩn rủi ro trong nhập khẩu nguyên liệu gỗ Trung Quốc từ năm 2018. Đã có rất nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán của Hoa Kỳ: gỗ dán, gỗ ván bóc, linh kiện đối với sản phẩm gỗ, tủ bếp.

Ảnh tác giả

“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam đang sử dụng hai thủ đoạn gian lận để lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ. Bằng cách nhập khẩu gỗ ván dán, ván bóc từ Trung Quốc sau đó không thực hiện gia công sản phẩm hoặc mua một số thành phần linh kiện từ Trung Quốc lắp ráp thành phẩm lấy xuất xứ Việt Nam và xuất đi”.

Bà Nguyễn Phạm Như Hà, Tổng cục Hải quan

“Tổng cục Hải quan đã tiến hành các chuyên đề kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp này. Bình Dương và Đồng Nai là hai địa phương xảy ra hiện tượng này nhiều nhất”, bà Hà nói.

Lý giải lý do vì sao gỗ dán Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, ông Nguyễn Văn Đông, đại diện Chi hội gỗ dán cho biết, các sản phẩm này của Trung Quốc được quảng bá nhiều, có giá cạnh tranh, hàng đồng đều và dễ gia công nên được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn.

“Dư địa ngành gỗ dán Việt Nam còn nhiều có thể giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp nên dần có sự chuyển đổi đảm bảo phát triển ngành gỗ bền vững”, ông Đông đưa ra khuyến nghị.

Là người phụ trách nghiên cứu thị trường gỗ của Viforest, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, cách tiếp cận giảm rủi ro đối với nhập khẩu nguyên liệu gỗ Trung Quốc cần thực hiện theo tiêu chí triệt để hết mức có thế.

“Không nên xác định theo giá trị đơn hàng mà phải đặt sự an toàn của cả ngành gỗ lên trên hết. Bởi chỉ cần Hoa Kỳ phát hiện ra một lô hàng nào trong 7 tỷ USD xuất khẩu sang Hoa Kỳ gian lận thương mại thì cả ngành gỗ của Việt Nam sẽ gặp rủi ro rất lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp