Nới trần thời gian làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất

LAO ĐỘNG Việt nAM
11:55 - 11/03/2022
Đề xuất tăng 180% thời gian làm thêm giờ trong tháng đối với người lao động. Ảnh: VnExpress.
Đề xuất tăng 180% thời gian làm thêm giờ trong tháng đối với người lao động. Ảnh: VnExpress.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Đề xuất tăng số giờ làm thêm trong tháng lên 72 giờ

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nới trần thời giờ làm thêm.

Bộ LĐTB&XH cho biết thời gian qua đã nhận được đề nghị của các ngành, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị nâng giới hạn làm thêm trong tháng, thậm chí đề nghị bỏ giới hạn làm thêm trong tháng, do đã có giới hạn làm thêm trong ngày trong năm.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động sẽ được kết cấu thành 2 điều: Nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động, doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động trên cơ sở thoả thuận để làm thêm giờ không quá 4 giờ/ngày.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

“Giả sử bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, theo quy định giờ làm thêm tối đa trong ngày, mỗi tháng người lao động cũng chỉ làm thêm tối đa được 104 giờ/tháng (ứng với 26 ngày công). Như vậy, mức 72 giờ/tháng được xem là ở mức trung bình của đề xuất trên (104 giờ/tháng) và quy định pháp luật hiện hành (40 giờ)”.

Các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca...), tiền lương tuân thủ theo Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Về thời gian áp dụng, Bộ trưởng Dung cho biết, dự thảo nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh "đặc biệt" và "cấp bách". Theo đó, về nguyên tắc, việc thực hiện chính sách tại dự thảo nghị quyết chỉ nên thực hiện trong một thời gian ngắn, thích hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách, cấp thiết.

So sánh với nhiều nước trong khu vực châu Á, Bộ LĐTB&XH cho rằng, mức đề xuất như trên là có thể chấp nhận được. Mặt khác, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng ngắn hạn, có tính thời điểm cấp bách để giải quyết tình thế trong vài tháng, đến hết 31/12/2022.

Vì vậy, thời gian áp dụng chính sách này kể từ thời điểm nghị quyết được ký ban hành đến thời điểm các biện pháp quy định tại Điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.

Đồng thời, Bộ trưởng LĐTB&XH nhấn mạnh, đây là yêu cầu cấp thiết và khách quan từ thực tiễn cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp rất căng thẳng khi đơn hàng khẩn trương mà nhân lực không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Người lao động sẽ tính thời gian làm thêm như các ngày lễ, tết và làm thêm ban đêm.

Một số Hiệp hội Doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong 1 năm.

Nới trần thời gian làm thêm giờ phải được sự tự nguyện của người lao động

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu ra yêu cầu nới trần thời gian làm thêm giờ phải bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác. Việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần không quá giờ làm thêm trong năm hiện được pháp luật quy định.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đều nhất trí đều cho rằng, đề xuất nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

"Việc tăng này là quá cao, tăng 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012 (quy định 30 giờ), tương ứng với 9 ngày làm việc bình thường".

Theo bà Thúy Anh, việc tăng thời giờ làm việc sẽ có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh; người lao động không đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động. Hơn nữa, việc tăng này đi ngược với xu hướng tiến bộ, phát triển khoa học, công nghệ, tăng lương, giảm giờ làm.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%. Đồng thời, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe của người lao động, điều kiện của người lao động, việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 năm của người lao động phải thỏa mãn các yêu cầu là thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận.

Đồng tình với ông Định, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, Tổng Liên đoàn đồng tình với việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng nhưng cần được xem xét để bảo đảm với sức khoẻ của người lao động. Người lao động không chỉ cố gắng trong một năm mà là điều kiện lâu dài.

Theo chương trình, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết này sau khi được các cơ quan tiếp thu, giải trình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.