OECD và Indonesia khởi động các cuộc đàm phán gia nhập

KINH TẾ Indonesia
15:53 - 21/02/2024
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ảnh: AP
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông báo quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Indonesia. Nếu gia nhập thành công, Indonesia sẽ trở thành thành viên OECD đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và thứ 3 của châu Á. 

Theo Jarkata Globe, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann gọi quyết định của tổ chức này là “lịch sử”, vì đây là đơn đăng ký đầu tiên từ một quốc gia đến từ Đông Nam Á – "một trong những khu vực có sự tăng trưởng năng động nhất thế giới".

“Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia là một quốc gia có vai trò quan trọng trên toàn cầu, mang lại vai trò lãnh đạo quan trọng trong và ngoài khu vực”, ông Mathias Cormann cho biết trong một thông cáo gần đây.

Ông cũng nói thêm rằng việc Indonesia tham gia vào tiến trình gia nhập OECD sẽ góp phần “tăng cường hơn nữa mức độ phù hợp và tác động toàn cầu” của tổ chức.

Tổng thống Joko Widodo (phải) bắt tay Tổng thư ký OECD Mathias Cormann (trái) tại Cung điện Merdeka ở Jakarta, Indonesia, ngày 10/8. Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Indonesia

Tổng thống Joko Widodo (phải) bắt tay Tổng thư ký OECD Mathias Cormann (trái) tại Cung điện Merdeka ở Jakarta, Indonesia, ngày 10/8. Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Indonesia

Indonesia trở thành đối tác chủ chốt của OECD vào năm 2007 và giúp tổ chức này khởi động chương trình Đông Nam Á vào năm 2014. Vào tháng 7/2023, Indonesia chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của OECD.

Dự thảo lộ trình gia nhập của Indonesia sẽ được chuẩn bị để Hội đồng OECD xem xét tại các cuộc họp tiếp theo. Hơn 20 ủy ban chuyên môn cũng sẽ đánh giá xem liệu Indonesia có tuân thủ các tiêu chuẩn của OECD hay không. Các đánh giá cũng sẽ bao gồm các lĩnh vực như thương mại và đầu tư mở, quản trị công, nỗ lực chống tham nhũng cũng như các hành động chống biến đổi khí hậu.

OECD cho biết không có thời hạn cho quá trình gia nhập, do vậy thời gian sẽ phụ thuộc vào việc liệu Indonesia có thể điều chỉnh theo các tiêu chuẩn của OECD hay không. Thông thường, một quốc gia phải mất 5-8 năm để đạt được tư cách thành viên chính thức. Việc kết nạp thành viên mới cần có sự nhất trí của tất cả các nước OECD.

Indonesia đã đặt mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045. Việc trở thành thành viên của OECD được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế ở nước này. Nếu được chấp nhận, Indonesia sẽ là nền kinh tế châu Á thứ 3 gia nhập OECD sau Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc Indonesia gia nhập OECD đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên của nhóm, bao gồm Anh. Trong thông điệp chúc mừng ứng cử viên Prabowo Subianto giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nói về việc Anh muốn Indonesia có một ghế trong OECD.

"Chúng ta có rất nhiều lĩnh vực hợp tác chung. Tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại Anh - Indonesia và đã ủng hộ việc Indonesia đăng ký gia nhập OECD", Thủ tướng Sunak cho biết.

OECD hiện có 38 thành viên, bao gồm Australia, Áo, Bỉ, Canada, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp