Ông lớn xi măng Thái Lan muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Xi măng Việt nAM
13:32 - 22/05/2022
Phía Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Siam City Cement ngày 19/5. Ảnh: Bộ Xây dựng
Phía Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Siam City Cement ngày 19/5. Ảnh: Bộ Xây dựng
0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là một trong những tập đoàn xi măng lớn nhất Thái Lan, Siam City Cement vừa cho biết đã hoàn thiện các thủ tục để có thể tiến hành mở rộng đầu tư sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có buổi làm việc với ông Aidan John Lynam, Tổng giám đốc Tập đoàn Siam City Cement mới đây. Hôm 19/5, Siam City Cement cũng thông báo đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết để mở rộng đầu tư ở Việt Nam, đồng thời tích cực hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng để ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất xi măng, phát triển sản phẩm mới.

Tập đoàn Siam City Cement của Thái Lan được thành lập năm 1969, bắt đầu sản xuất xi măng vào năm 1972. Hiện nay, Siam City Cement là một trong những tập đoàn xi măng lớn nhất của Thái Lan, chuyên cung cấp các sản phẩm xi măng, cốt liệu và giải pháp xây dựng.

Siam City Cement có kế hoạch mở rộng hoạt động ra nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Cambodia, Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam. Tại Việt Nam, sau nhiều năm hợp tác, Siam City Cement đã tạo dấu ấn với nhà máy xi măng Kiên Giang, góp phần cung cấp ổn định xi măng và vữa xây dựng cho thị trường khu vực miền Nam.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án Khai thác mỏ đá vôi, đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 và 3 Lò nung Clinker – Nhà máy Xi măng Hòn Chông của Siam City Cement. Dự án có tổng vốn đầu tư là 10.890 tỷ đồng.

Tập đoàn này cũng đã mua lại 65% cổ phần của Tập đoàn LafargeHolcim trong liên doanh Holcim Việt Nam, trị giá 580 triệu USD và đổi tên thành INSEE. INSEE hiện có 5 nhà máy xi măng và các trạm trộn bê tông hiện đại tại TP HCM.

Khái quát về ngành xi măng tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã tiến hành đánh giá tổng thể hoạt động sản xuất xi măng. Qua đó chủ trương tái đầu tư những dây chuyền có công suất vừa và nhỏ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cạnh tranh trên thị trường.

Yêu cầu đối với doanh nghiệp, phía Bộ Xây dựng cho rằng doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, bảo vệ môi trường, tận dụng nhiệt thải và sử dụng phế thải làm nguyên liệu đầu vào. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp cùng với các địa phương thực hiện quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó có khoáng sản để sản xuất xi măng.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng, cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 107 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga.

Sản lượng xi măng của Việt Nam gần như liên tục tăng qua các năm, trong đó năm 2000 là 13 triệu tấn đến năm 2021 lên tới 101 triệu tấn.

Tiêu thụ xi măng năm 2021 đạt khoảng 105 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chiếm 43%, nội địa 57%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, ngành này tiêu thụ vượt mốc 100 triệu tấn.

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.