Ông Trương Gia Bình: 'Vô lý khi kinh tế mở nhưng du lịch lại đóng'

DU LỊCH Việt nAM
09:22 - 25/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đây là trăn trở của Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) Trương Gia Bình, về thời điểm mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Ông cho rằng sự "vô lý" này đang khiến Việt Nam mất "cơ hội ngàn năm”.

Tại hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”, chiều 24/1, ông Trương Gia Bình cho rằng, suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy”, ông Bình nêu vấn đề.

Theo ông Bình, bản chất của chống dịch là tiêm vaccine, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vaccine. Nếu Việt Nam không mở cửa du lịch là đi ngược lại chính sách của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.

Ảnh tác giả

“Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao"?

Ông Trương Gia Bình

"Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm”, ông Trương Gia Bình trăn trở.

Đặt ra bài toán mở cửa như thế nào, lãnh đạo Ban IV cho rằng, cần mở theo thông lệ quốc tế. Việt Nam không kém gì các nước, mình đã đồng ý hộ chiếu vắc xin, mình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vaccine phòng COVID -19, du khách cũng vậy.

“Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm. Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.

Những gì ông Bình trăn trở là hoàn toàn có cơ sở khi TS. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia nghiên cứu độc lập cũng có những ý kiến đồng tình trên cơ sở đưa ra dự báo tình hình dịch bệnh. “Chúng ta đều biết, khi Omicron xuất hiện, các ca bệnh tăng nhanh, dự báo 400 nghìn ca/ngày. Tuy nhiều nhưng ca bệnh lại nhẹ hơn. Thế giới thống kê, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ít hơn chủng Delta. Chúng ta không nên lo lắng vì tỉ lệ tiêm của chúng ta cao”, bà Anh nói.

Theo chuyên gia này, các giải pháp trên phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. Đóng cửa không giảm được lây lan.

Ảnh tác giả

“Đóng cửa để Omicron không vào Việt Nam nhưng Omicron đã vào. Vậy đóng làm gì? Đóng chờ cái gì? Chờ vaccine chống Omicron thì 2 - 3 năm chắc có lẽ xóa sổ ngành du lịch. Điều này không ai mong muốn”.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh

“Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn. Chúng ta có miễn dịch cộng đồng rồi, giờ cần thích nghi an toàn, không nên theo đuổi chiến dịch ‘zero Covid’, tăng khả năng chống dịch, chứ không phải là chăng dây khắp mọi nơi”, bà Anh bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, việc khôi phục kinh tế trong đại dịch là nhiệm vụ sống còn. “Chúng ta bị thiệt hại vô cùng to lớn do ảnh hưởng của dịch trong thời gian vừa qua. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là vì là khởi đầu của hàng loạt ngành kinh tế khác. Du lịch tan vỡ là các ngành khác tan vỡ theo nên du lịch cần được đặt lên hàng đầu”, ông Vũ Bình nói.

Theo ông, ngành du lịch cần đánh giá thí điểm giai đoạn 1 thành công hay không, từ đó rút kinh nghiệm. Chúng ta thành công là chỗ từ nơi tê liệt về du lịch đã bước đầu mở cửa. Số lượng khách vừa rồi thể hiện niềm tin của khách du lịch với chúng ta nhưng tại sao họ chưa sang nhiều? Có thể vì họ băn khoăn là khi sang Việt Nam bị cách ly hay lo ngại việc xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh trong khi các nước quy định thời gian này là trước khi lên máy bay.

“Việt Nam đã làm chương trình thí điểm rất tuyệt vời, rõ ràng nhưng đến giờ sau 2, 3 tháng tình thế khác rồi, việc chống COVID-19 tốt hơn nhiều, niềm tin lớn rồi nên tôi nghĩ chúng ta cần mở cửa, không thí điểm nữa mà chính thức mở cửa”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ.

Tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia và hiệp hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng tình những thuận lợi, điều kiện mở cửa ngành du lịch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về những khó khăn vẫn còn tồn tại trong thực tế.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng:

“Dịch bệnh khiến khả năng thích ứng còn khó khăn. Có bao nhiêu thị trường sẵn sàng đến Việt Nam? Có bao nhiêu còn do dự? Vì vậy, các doanh nghiệp cần khẩn trương phục hồi và có chính sách phù hợp. Tiếp đến, phòng chống dịch bệnh nhất quán từ Trung ương đến địa phương, không có sự cát cứ, khác biệt giữa các địa phương. Đây là vấn đề cần khắc phục”.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hùng cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết. Từ nay đến thời điểm đó các doanh nghiệp, các bộ/ngành cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ.

“Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng các ý kiến, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn”, ông nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.