PGS. Trần Văn Ơn: Phát triển kinh tế dược liệu đang như 'thầy bói xem voi'

dược liệu Việt nAM
20:38 - 27/07/2023
Cần thay đổi tư duy phát triển kinh tế dược liệu Ảnh: VGP
Cần thay đổi tư duy phát triển kinh tế dược liệu Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận các chính sách phát triển ngành dược liệu mới chỉ như “sờ chân, vòi con voi mà chưa nhìn thấy cả con voi”, PGS. Trần Văn Ơn cho rằng thiếu chiến lược tổng thể là điểm yếu khiến ngành dược liệu Việt Nam lép vế ngay tại sân nhà.

Việt Nam có nguồn dược liệu khổng lồ, nhưng “mỏ vàng” này chưa được khai thác đúng mức bởi hạn chế trong quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Phân tích thêm về thực tế phát triển cây dược liệu tại tọa đàm "Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam" tổ chức chiều 27/7, PGS. Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện nay đã khôi phục và nâng tầm được hệ thống cây dược liệu.

Về điểm mạnh, hiện đã có nhiều sản phẩm trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ dược liệu như hoạt huyết dưỡng não của Traphaco, Boganic... và các sản phẩm xuất khẩu. “Việt Nam có 5.000 cây thuốc và cách chế tạo thuốc khác nhau từ 54 dân tộc. Điểm mạnh lớn nhất của cây dược liệu Việt Nam chính là tính đa dạng, độc đáo”, ông Ơn phân tích.

Còn điểm yếu của cây dược liệu Việt Nam là chưa có định hướng thị trường và chưa phát huy được triệt để lợi thế riêng có. Ngành dược liệu cũng gặp khó khăn trong toàn chuỗi giá trị về sản lượng, sự đồng bộ các tiêu chuẩn và thiếu công nghệ lõi chiết xuất. Những điểm yếu này theo ông Ơn khiến dược liệu của Việt Nam bị lép vế trước các đối thủ thế giới.

Tại hội thảo do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, đánh giá về chính sách phát triển cây dược liệu hiện nay, PGS.TS Trần Văn Ơn nhìn nhận, Việt Nam đã có chủ trương nhưng thiếu một chiến lược tổng thể, bao trùm. “Giống như mới chỉ sờ chân, sờ vòi con voi mà chưa biết được cả con voi trông ra sao”, ông Ơn ví von.

"Ở chiến lược đó phải chỉ ra được tầm nhìn của cây dược liệu Việt Nam sẽ đi đến đâu. Sứ mệnh chỉ dừng ở việc đóng góp cho y học, chữa bệnh, bán thị trường nội địa hay xuất khẩu. Quy hoạch kinh tế dược liệu ra sao. Hiện tại Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể này. Đây là chiến lược lớn cần sự vào cuộc của ít nhất 5 Bộ và có một chỉ huy trưởng của cả ngành”.

PGS. Trần Văn Ơn, Đại học Dược Hà Nội

Đồng tình với ông Ơn, TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhiều yếu tố để phát triển cây dược liệu từ chính sách vĩ mô đến giáo dục thị trường.

“Không thể giữ quan điểm trồng dược liệu đơn sơ như trước mà phải xác định đi theo con đường kinh tế dược liệu, gắn với chế biến sâu để tạo ra kinh tế hàng hóa và sinh kế bền vững cho bà con. Đây là sự thay đổi tư duy của một ngành hàng trên chặng đường dài”, TS Vũ Văn Thoại nhấn mạnh.

Một yếu tố được ông Thoại đánh giá quan trọng là chưa có nguồn lực tương xứng đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Làm so sánh lương của cán bộ nghiên cứu khoa học Ấn Độ đạt 2.000 USD còn Việt Nam khoảng 10 triệu đồng, ông Thoại chỉ ra, Việt Nam còn thiếu sự đầu tư vào khoa học để mở đường cho kinh tế dược liệu.

Doanh nghiệp còn loay hoay khi đầu tư vào phát triển dược liệu

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc CTCP Dược liệu TH Herbals, thuộc Tập đoàn TH cho biết, Việt Nam có tiềm năng cây dược liệu lớn nhưng chưa khai thác được triệt để.

Chia sẻ về quá trình phát triển cây dược liệu của TH, ông Trung cho biết, trên cơ sở nhìn thấy thực trạng chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp có cách tiếp cận là nhìn vào các tài nguyên thiên nhiên và trí tuệ Việt Nam kết hợp với khoa học công nghệ thế giới.

Do đó, Tập đoàn TH đã mời giáo sư, nhà khoa học của các trường đại học hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Israel về tham quan trực tiếp các vùng dược liệu của Việt Nam. Sau đó, dựa trên các tư vấn, định hướng của họ để TH phát triển cây dược liệu.

Nói về những khó khăn mà TH đang gặp phải, ông Trung chỉ ra, số lượng cây thuốc quý đa phần nằm ở vùng núi, xa xôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng lao động chính. Khi tham gia phát triển kinh tế dược liệu, doanh nghiệp sẽ phải là người dẫn dắt.

"Làm kinh tế dược liệu là câu chuyện sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường, thu về lợi nhuận, nên sự vào cuộc của doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, khó khăn gặp phải của doanh nghiệp là rất nhiều, tiêu biểu như thiếu thông tin: Việt Nam có thế mạnh gì, sản lượng thế giới dự kiến bao nhiêu, nhu cầu thị trường nào đang nhiều. Vấn đề này, cơ quan quản lý Nhà nước có thể cung cấp và đưa ra khuyến cáo cho người dân, doanh nghiệp”.

Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc CTCP Dược liệu TH Herbals

Thứ hai là chi phí đầu tư, nhất là chi phí đầu tư ở vùng sâu vùng xa có tỷ suất cao hơn sẽ khó khăn, rủi ro hơn. Đầu tư chế biến sâu cũng cần những cơ sở hạ tầng về điện nước, trường trạm. “Đây là những rào cản đang cản đà doanh nghiệp phát triển cây dược liệu của Việt Nam cần sớm được Chính phủ và các Bộ/ngành tháo gỡ”, Tổng giám đốc CTCP Dược liệu TH Herbals kiến nghị.

Theo Quyết định số 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp