Sản xuất công nghiệp khởi sắc nhưng rủi ro vẫn tiềm tàng

KINH TẾ Việt nAM
17:13 - 01/12/2021
Sản xuất công nghiệp khởi sắc nhưng rủi ro vẫn tiềm tàng
0:00 / 0:00
0:00
"Triển vọng các ngành kinh tế nói chung trong năm nay cũng như năm sau phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của đại dịch COVID-19", chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định. 

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc rõ rệt sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020 - Nguồn: TCTK

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020 - Nguồn: TCTK

Tính theo lĩnh vực, trong tháng 11, một số ngành tăng trưởng nổi bật của tháng là khai khoáng (tăng 2,2%), ngành chế biến, chế tạo (tăng 6,4%), sản xuất và phân phối điện (tăng 2,2%), cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 1,2%).

Tính chung 11 tháng, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt toàn ngành công nghiệp với mức tăng trưởng mạnh mẽ 4,8%, đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành sản xuất và phân phối điện cũng ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Tính theo địa phương trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm ngoái, IIP tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước.

Top 5 tỉnh dẫn đầu tốc độ tăng là Ninh Thuận (26,81%), Đắk Lắk (26,25%), Gia Lai (18,83%), Hải Phòng (18,5%), Thanh Hóa (16,5%).

Các địa phương ghi nhận IIP giảm sâu chủ yếu là các tỉnh thành phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Nổi bật, IIP của TP.Hồ Chí Minh giảm sâu -15,53%.

Tuy nhiên nhìn chung, theo Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 11 đã chứng kiến sự khởi sắc rõ rệt sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

PMI lĩnh vực sản xuất nhích nhẹ

Dữ liệu về chỉ số quản trị thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất do IHS Markit công bố ngày 1/12 cũng phản ánh sự cải thiện của điều kiện sản xuất kinh doanh trong nước. Cụ thể, PMI sản xuất tháng 11 của Việt Nam tăng nhẹ lên 52,2 điểm từ mức 52,1 điểm của tháng 10.

Chỉ số PMI sản xuất do IHS Markit đo lường cũng cho thấy sự khởi sắc của lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

Chỉ số PMI sản xuất do IHS Markit đo lường cũng cho thấy sự khởi sắc của lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

Theo IHS Markit, lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 do nhu cầu sản xuất tăng vọt sau một thời gian bị kìm hãm bởi hạn chế kiểm dịch. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất chỉ tăng với tốc độ tương đương tháng 10, mà một phần nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu hụt lao động.

Tình hình lao động đã có sự cải thiện

Về lao động, theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/11/2021, số lao động trong khu vực công nghiệp tăng 3,3% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm 2020.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,3% so với tháng trước nhưng giảm 2,7% so với năm 2020. Lao động khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 4,2% so với năm 2020.

Lao động tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,2% so với tháng trước và giảm 1,8% so với năm 2020. Số liệu từ Tổng cục Thống kê phản ánh phần nào sự xáo trộn trên thị trường lao động nói chung và nỗi lo thiếu hụt lao động kéo dài trong các ngành công nghiệp nói riêng.

Phục hồi ngành công nghiệp và thị trường lao động: phải tiếp thêm niềm tin

MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, đại diện cho Nhóm Nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu các Giải pháp Thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội về triển vọng sản xuất công nghiệp nói riêng và triển vọng kinh tế nói chung trong thời gian tới.

MEKONG ASEAN: Từ dữ liệu IIP của Tổng cục Thống kê và PMI do IHS Markit công bố gần đây, ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành sản xuất công nghiệp thời gian tới?

TS. Đinh Tuấn Minh: Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế kiểm soát dịch COVID-19 đã giúp khơi thông chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy sự phục hồi nhu cầu sản phẩm, do đó tình hình sản xuất công nghiệp nói chung là khả quan và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm sau. Các dự báo kinh tế gần đây đều lạc quan vào triển vọng phục hồi của Việt Nam trong năm tới. Các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội dự kiến cũng tạo thêm động lực cho sản xuất công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Ảnh tác giả

“Như tôi nhiều lần nhấn mạnh, triển vọng các ngành kinh tế nói chung trong năm nay cũng như năm sau phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của đại dịch COVID-19. Triển vọng là sáng sủa, nhưng rủi ro là luôn luôn tiềm tàng, chẳng hạn như sự xuất hiện của biến chủng mới có thể Omicron gần đây. Chúng ta chưa biết mức độ nguy hiểm của nó ra sao và tác động đến nền kinh tế cũng như hoạt động công nghiệp như thế nào”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

MEKONG ASEAN: Cả báo cáo của Tổng cục Thống kê và IHS Markit đều nhận định thách thức lớn trước mắt của ngành sản xuất công nghiệp là tình trạng thiếu hụt lao động. Xin cho biết nhận định của ông và giải pháp giải quyết vấn đề này?

TS. Đinh Tuấn Minh: Tôi đánh giá tình trạng thiếu hụt lao động hiện tại là hiện tượng cục bộ do niềm tin người lao động sụt giảm mạnh trong thời gian qua dẫn đến làn sóng lao động đổ về quê. Do đó, để khắc phục tình trạng này, yếu tố tiên quyết là khôi phục niềm tin cho người lao động. Vậy khôi phục lực lượng lao động như thế nào? Phải tiếp cho họ niềm tin rằng sẽ có công ăn việc làm khi quay trở lại, thu nhập sẽ được đảm bảo, tình trạng giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển không còn lặp lại, hoạt động sản xuất không còn gián đoạn...

Làm thế nào giữ chân người lao động hay đưa người lao động quay lại làm việc là bài toán lớn với doanh nghiệp. Theo chủ trương mới của Chính phủ, trách nhiệm chủ đạo giờ nằm trên vai doanh nghiệp, tức là chính doanh nghiệp chủ động giải pháp phòng chống kiểm soát dịch bệnh trong phạm vi doanh nghiệp: xử lý như thế nào khi xuất hiện ca F0: khoanh vùng dây chuyền hay đóng cửa toàn bộ...

Tôi cho rằng vai trò chủ động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất, tất nhiên cần có sự điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Ảnh tác giả

"Vậy khôi phục lực lượng lao động như thế nào? Phải tiếp cho họ niềm tin rằng sẽ có công ăn việc làm khi quay trở lại, thu nhập sẽ được đảm bảo, tình trạng giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển không còn lặp lại, hoạt động sản xuất không còn gián đoạn..."

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

MEKONG ASEAN: Ông nhắc đến vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước, xin cho biết kiến nghị cụ thể của ông về giải pháp liên quan đến các gói hỗ trợ đang được xây dựng và triển khai là gì?

TS. Đinh Tuấn Minh: Về biện pháp khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, tôi cho rằng gói hỗ trợ trong thời gian tới nên tập trung chủ đạo vào chính sách tài khóa.

Chính sách tiền tệ theo tôi là rất nên hạn chế vì có vẻ đã chạm đến ngưỡng và ta cũng cần tính đến vấn đề đảm bảo cân đối vĩ mô, an toàn hệ thống.

Chính sách tài khóa cần tập trung chủ yếu vào các hỗ trợ trực tiếp và nhanh chóng thay vì hỗ trợ gián tiếp. Tất nhiên đối tượng và cách thức hỗ trợ thì phải tính toán, làm sao cho doanh nghiệp ảnh hưởng nhiều thì được hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít thì không hỗ trợ hoặc hỗ trợ ở mức độ nhất định.

Thậm chí nên tính đến các hỗ trợ trực tiếp như phát tiền mặt trực tiếp cho dân, trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện rồi nhưng theo tôi cần phát huy hơn nữa. Tôi đánh giá biện pháp trực tiếp như vậy hiệu quả và đơn giản hơn nhiều gói gián tiếp như gói hỗ trợ lãi suất đang xây dựng, vì tính trực tiếp, giảm thiểu được độ trễ và các thủ tục rườm rà.

Ảnh tác giả

"Nên tính đến các hỗ trợ trực tiếp như phát tiền mặt trực tiếp cho dân, trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện rồi nhưng theo tôi cần phát huy hơn nữa. Tôi đánh giá biện pháp trực tiếp như vậy hiệu quả và đơn giản hơn nhiều gói gián tiếp như gói hỗ trợ lãi suất đang xây dựng, vì tính trực tiếp, giảm thiểu được độ trễ và các thủ tục rườm rà".

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

Thời lượng, quy mô gói như thế nào thì các cơ quan ban ngành đang thảo luận, có thể 1-2-3 năm, có thể gói to gói nhỏ nhưng phải dựa trên cơ sở nguồn lực ngân sách là có hạn, phải triển khai làm sao cho hiệu quả, đúng đối tượng, hiệu quả mà vẫn đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.