Sắp diễn ra hội nghị công bố chương trình hành động về Đồng bằng sông Hồng

quảng ninh CHÍNH SÁCH
15:12 - 09/02/2023
Kêu gọi các dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Kêu gọi các dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ được Bộ KH&ĐT tổ chức vào ngày 12/2.

Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu tại Họp báo ngày 9/2 công bố thông tin về sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ.

Hội nghị còn bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Đặc biệt, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 cũng sẽ được công bố tại hội nghị.

"Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông

36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng kinh tế bình quân khu vực Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước.

Vùng đồng bằng Sông Hồng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước.

Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành 3 cực tăng trưởng trong tam giác động lực phát triển kinh tế vùng. Trong đó, Thủ đô Hà Nội giữ vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế quốc tế, một động lực phát triển của vùng và cả nước.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá vùng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ.

“Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả sẽ là dư địa, cơ hội để Đồng bằng Sông Hồng phát triển nhanh trong thời gian tới. Đưa Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022, với mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sinh thái đậm đà bản sắc dân tộc. Đưa vùng xứng tầm trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân;

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Chính phủ đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ cho Đồng bằng sông Hồng

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng.

3. Phát triển kinh tế vùng.

4. Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

5. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

6. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

7. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

8. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

9. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

10. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.