Tận dụng EVFTA để doanh nghiệp không chỉ bán hàng mà 'bán cả thương hiệu'

XUẤT KHẨU EVFTA
23:59 - 08/08/2022
Lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 hưởng ưu đãi EVFTA của Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung Anh.
Lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 hưởng ưu đãi EVFTA của Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung Anh.
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thách thức trong khai thác Hiệp định EVFTA là tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và định vị thương hiệu, để doanh nghiệp không chỉ bán được hàng đơn thuần mà phải "bán được hàng có thương hiệu".

EVFTA tạo xung lực lớn cho xuất khẩu vào EU

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt khoảng 83 tỷ USD với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Đánh giá về tác động của EVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam tại tọa đàm Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng” do Báo Công Thương tổ chức ngày 8/8, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là một thị trường đa dạng, đa số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao.

Đặc biệt một số nhóm hàng như sắt thép tăng 200%; cà phê, hạt tiêu tăng 50% – 75%; dệt may, da giày, đồ gỗ tăng từ 10% – 15%. Theo đánh giá chung thì EVFTA là xung lực lớn của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Hải cũng chỉ ra các thách thức đối với hàng hoá Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên EU. Trong đó, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng là một trong những thách thức mà doanh nghiệp phải có sự thích ứng bằng việc đa dạng hóa nguồn cung, chủ động xây dựng hoặc thiết lập các chuỗi nguyên liệu bền vững.

Riêng đối với Hiệp định EVFTA, ông Trần Thanh Hải cho rằng thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải là phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

Ảnh tác giả

“Tôi cho rằng những tiêu chuẩn này là điều căn cốt, hàng rào cơ bản trong thời đại hiện nay. Trong việc đáp ứng quy tắc về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp đã có một quá trình hội nhập, làm quen với các hiệp định khác nên việc tìm hiểu thêm để đáp ứng các quy tắc xuất xứ của EU cũng thuận lợi hơn”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Bên cạnh đó, theo ông Trần Thanh Hải, một thách thức nữa đối với doanh nghiệp tại thị trường châu Âu là xây dựng được chỗ đứng trên thị trường, thông qua việc xây dựng và định vị thương hiệu. "Điều này đòi hỏi phải có chiến lược và sự đầu tư bài bản, sự tư vấn của những chuyên gia để làm sao doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bán được hàng mà phải bán được hàng có thương hiệu", ông Hải nhận định.

Doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào EU

Dưới góc độ một doanh nghiệp trực tiếp có những mặt hàng xuất khẩu vào EU và tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung Anh cho biết, kể từ khi hiệp định có hiệu lực, công ty của ông đã có những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này hưởng thuế suất bằng 0. Qua 2 năm, doanh nghiệp này đã tăng trưởng thêm nhiều container hàng vào EU so với trước khi có EVFTA.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu riêng mặt hàng gạo của Việt Nam vào EU đã tăng 68% và EU trở thành thị trường chính về phân khúc gạo chất lượng cao. Ngoài ra, những sản phẩm khác từ gạo như bún miến khô khi xuất khẩu vào châu Âu cũng được đón nhận một cách tích cực.

Ngoài mặt hàng gạo, các loại rau, củ quả và các mặt hàng thủy sản cũng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường ở EU nhờ hàng loạt cam kết thuế quan trong EVFTA. Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện có khoảng 220 dòng thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0 – 22% được hưởng lợi từ EVFTA.

Trước khi có Hiệp định, EU từ vị thế là thị trường xuất khẩu số 1 của thủy sản Việt Nam đã bị giảm xuống thứ 4 sau Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Nguyên nhân vì xuất khẩu cá tra, tôm liên tục sụt giảm do thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay nhờ Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội cho thủy sản Việt Nam sang EU. Các nhóm thủy sản chủ lực gồm tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản đã được hưởng lợi thuế quan ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực.

Ảnh tác giả

"Tính tới hết quý II/2022, EU trở thành thị trường nằm trong Top 3 nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam nhiều nhất. Nhờ ưu đãi của EVFTA, xuất khẩu thuỷ sản sang EU đã tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính tăng 30 - 39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các cơ hội về thuế quan của EU để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này".

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Sự "hụt hơi" của gạo vì vấn đề thương hiệu

Đánh giá về những kết quả mà doanh nghiệp xuất khẩu đã đạt được tại thị trường EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua được nhiều thách thức lớn để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong xuất khẩu sang thị trường này.

Trong đó, thuỷ sản là ngành tận dụng tốt nhất trong các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, đối với mặt hàng gạo, theo ông Khanh sản phẩm này hiện xuất khẩu sang EU không có nhiều điểm sáng như vậy.

“Đối với gạo, việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Theo các điều khoản trong EVFTA, Việt Nam có dư địa xuất khẩu đến 30.000 tấn gạo thơm mỗi năm vào EU nhưng đến nay vẫn chưa tận dụng hết”, ông Khanh nêu thực trạng.

Chia sẻ thêm thông tin về quá trình đàm phán, ông Ngô Chung Khanh cho biết, Việt Nam đã đề nghị EU tạo dư địa rất lớn cho xuất khẩu gạo nhưng doanh nghiệp lại không tận dụng được và đó cũng chính là thách thức. Một trong những rào cản là sản phẩm gạo thơm đòi hỏi cần có thương hiệu, nhưng thương hiệu gạo Việt hiện lại rất yếu. Đó là lý do các doanh nghiệp Việt chưa xuất khẩu đủ dư địa 30.000 tấn gạo vào EU mỗi năm.

Từ thực tế này, theo ông Khanh, đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt Hiệp định EVFTA hay chưa là không dễ có câu trả lời. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên thì việc Việt Nam hiện mới chỉ chiếm chưa đến 4% thị phần rau quả, gần 8% thị phần thủy sản và thị phần gạo rất thấp tại EU cho thấy dư địa để các doanh nghiệp tận dụng thị trường này còn rất lớn.

“Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào các thị trường truyền thống như thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU nhiều tiềm năng và rất hiệu quả thì các doanh nghiệp lại chưa tập trung. Dư địa tăng trưởng tại EU còn có thể khai thác thêm và các doanh nghiệp Việt vẫn có thể làm tốt hơn nữa”, ông Ngô Chung Khanh đánh giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp