Tăng đột biến 46%, giá than lập kỷ lục mới

nhiên liệu THẾ GIỚI
20:41 - 03/03/2022
Tăng đột biến 46%, giá than lập kỷ lục mới
0:00 / 0:00
0:00
Nối tiếp dầu, giá của các loại nhiên liệu khác cũng tăng cao, trong bối cảnh lo ngại chiến sự giữa Nga và Ukraine gây ảnh hưởng đến nguồn cung nhiên liệu của thế giới khi Nga là nguồn cung chính cho than và thép toàn cầu.

Hiện nay, giá than nhiệt tại châu Á đã tăng tới 46%. Đây là thị trường lớn nhất cho loại nguyên liệu này. Cụ thể, hôm 2/3, hợp đồng tương lai than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle ở Australia đã tăng lên 446 USD/ tấn, mức giá cao gần gấp hai lần giá của ngày 1/3. Chỉ tính trong ngày 2/3, giá than đã tăng 140,55 USD, theo ICE Futures Europe, đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2008.

Trước đó, vào ngày 1/3, giá than cũng đã lập kỉ lục mới với mức 275 USD/tấn.

Nhờ ảnh hưởng này, phiên giao dịch ngày 3/3 tại Sydney, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất than đã tăng vọt vào thời điểm mở đầu phiên. Cổ phiếu của Whitehaven Coal, nhà cung cấp than cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tăng tới 10%, lên mức cao nhất kể từ năm 2019.

Biểu đồ giá than trong thời gian gần đây. Ảnh: ICE, Bloomberg

Biểu đồ giá than trong thời gian gần đây. Ảnh: ICE, Bloomberg

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, thị trường hàng hoá toàn cầu đã biến động mạnh. Bên cạnh đó, Đức đã quyết định ngừng mua khí đốt của Nga để giảm sự phụ thuộc vào Moscow và thay thế khí đốt bằng than. Chính tính bất ổn và sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá của các mặt hàng nhiên liệu lên cao.

Các nhà giao dịch buộc phải gấp rút đảm bảo nguồn cung nhiên liệu và nguyên liệu thay thế, ngay cả khi không có biện pháp trừng phạt nào nhắm vào ngành năng lượng của Nga. Tiêu biểu nhất, giá dầu đã vọt lên trên 110 USD/thùng trong khi than ở châu Âu – nơi các nhà cung cấp phụ thuộc vào Nga – đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Giá than đã tăng phi mã trong thời gian gần đây, nguyên nhân chính là lo ngại về nguồn cung từ Nga. Phần còn lại đến từ việc thiếu hụt nhân công của Trung Quốc do Covid-19. Một phần khác do lũ lụt ở một số khu vực khai thác của Australia và quyết định cấm xuất khẩu của Indonesia vào tháng 1.

Giá than giao sau tại Newcastle đã tăng gấp hơn 2 lần từ phiên đóng cửa thứ 6 tuần trước (mức 220,95 USD/tấn).

Không chỉ than, giá thép cũng chứng kiến một đợt tăng giá mạnh. Cụ thể, ngày 1/3, giá thép thanh vằn tại Trung Quốc là 4.830 nhân dân tệ/tấn (765 USD/tấn), tăng 2,4% so với ngày trước đó. Từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng này tăng 5,4%.

Diễn biến giá thép thanh vằn. Ảnh: Trading Economics

Diễn biến giá thép thanh vằn. Ảnh: Trading Economics

Bên cạnh than, thép, giá nhôm tương lai trên sàn giao dịch London, Anh ngày 1/3 đã lập kỷ lục mới với mức giá 3.446 USD/tấn, tăng 2,6% so với ngày hôm trước. Nhôm cũng là mặt hàng bị ảnh hưởng lớn do chiến sự này, bởi Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới, nên việc nguồn cung gián đoạn sẽ khiến giá tăng cao. Giá nhôm lên cao sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, bao bì và trên hết là lĩnh vực ôtô.

Không chỉ trên thế giới, giá nguyên vật liệu trong nước cũng có sự tăng giá. Tiêu biểu là giá bán lẻ xăng dầu đã tăng lên mức cao kỉ lục 27.500 đồng/lít vào ngày 1/3. Cùng với đó, giá của hầu hết các loại vật liệu xây dựng phổ biến như sắt, thép, cát, xi măng... cũng tăng so với thời điểm cuối năm 2021.

Giá cát tăng khoảng 10.000 đồng/m3, trong đó, cát vàng thô dao động ở mức 390.000 - 470.000 đồng/m3; cát đen từ 140.000 - 170.000 đồng/m3... Giá xi măng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/bao 50kg. Gạch ống tăng khoảng 100 đồng/viên.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều công trình phải tạm dừng thi công để phòng dịch, nên sản lượng tiêu thụ còn chưa cao. Nhưng giá các vật liệu xây dựng vẫn tăng do khó khăn trong khâu vận chuyển.

Tới đầu năm 2022, nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại cùng với nhu cầu xây dựng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu trong nước và thế giới liên tục tăng cao khiến giá các vật liệu xây dựng cũng bị đẩy lên cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp