Thêm các nước EU chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
18:00 - 06/04/2022
Một cơ sở sản xuất khí đốt của Nga. Ảnh: Getty Images.
Một cơ sở sản xuất khí đốt của Nga. Ảnh: Getty Images.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện ngày càng có thêm quốc gia châu Âu bao gồm Hungary và quốc gia vùng Baltic là Latvia có các động thái “quay xe” và cân nhắc chấp nhận thanh toán tiền khí đốt Nga bằng đồng Ruble.

Hãng tin RT của Nga cho biết hôm 6/4 rằng, Hungary không loại trừ khả năng trả tiền cho các nhà cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng Ruble. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, các nghĩa vụ thanh toán khí đốt đầu tiên của nước này sẽ đến hạn vào cuối tháng 5. Nhờ các giải pháp thanh toán hiện hữu, Hungary có thể thanh toán tiền khí đốt mà nước này đã sử dụng. Đồng thời, các chi tiết sâu hơn cũng đang được các bên nghiên cứu.

Trong cùng ngày, ông Szijjarto cũng khẳng định nguồn cung cấp khí đốt của Hungary là dựa trên các hợp đồng song phương giữa công ty MVM của nhà nước Hungary với công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga. Do đó, EU "không đóng vai trò gì" trong chuyện này. Ông cho rằng Hungary không liên quan gì tới cách các quốc gia khác sửa đổi hợp đồng, đồng thời các nước khác cũng không cần can thiệp về cách Hungary sửa đổi hợp đồng khí đốt với Nga.

Thêm vào đó, ông cũng bổ sung rằng Hungary không cho rằng việc Ủy ban châu Âu yêu cầu các phản ứng chung từ các nước cùng nhập khẩu năng lượng Nga là không cần thiết. Kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, Hungary vẫn luôn là nước kiên quyết phản đối lại lệnh cấm vận hoàn toàn lên lĩnh vực dầu khí.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 11/3 cũng đã tuyên bố chắc chắn rằng vấn đề quan trọng nhất hiện tại với quốc gia này chính là ổn định lại tình hình theo cách thuận tiện nhất. Ông đồng thời khẳng định sẽ không có bất cứ lệnh trừng phạt nào lên dầu khí của Nga để đảm bảo nguồn cung năng lượng của Hungary luôn ở mức ổn định trong khoảng thời gian sắp tới.

Để một lệnh trừng phạt của EU có thể được thông qua, sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên thuộc khối là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên với thái độ phản đối rõ ràng của Hungary, lệnh cấm vận lên lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga gần như không có khả năng sẽ xảy ra.

Trung tâm phân phối khí đốt gần biên giới Serbia ở Kiskundorozsma, Hungary. Ảnh: Reuters

Trung tâm phân phối khí đốt gần biên giới Serbia ở Kiskundorozsma, Hungary. Ảnh: Reuters

Mặt khác vào 1/4 đầu tháng, các quốc gia Baltic bao gồm Latvia, Estonia và Lithuania đã từng tuyên bố khí đốt tự nhiên từ Nga đã không còn chảy đến lãnh thổ các quốc gia này. Latvia cho biết các nước Baltic đã không còn nhập khẩu khí đốt từ Nga như một động thái ủng hộ việc các quốc gia châu Âu cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng quốc gia này. Nguồn cung khí đốt cho khu vực này thay vào đó sẽ được cung cấp từ các kho chứa của Latvia.

Phát biểu hôm 2/4, ông Uldis Bariss, Giám đốc điều hành của Conexus Baltic Grid - nhà điều hành kho chứa khí đốt tự nhiên của Latvia, cũng cho biết các quốc gia Baltic đã không còn bất kỳ sự tin tưởng nào vào các lô hàng từ Nga và các sự kiện gần đây cũng thể hiện rõ sự thật này.

Ngoài ra, các quốc gia này cũng bày tỏ thái độ phản đối với việc Nga thay đổi luật lệ và yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble sau ngày 1/4.

Tuy nhiên tới 3/4, tức chỉ 2 ngày sau tuyên bố trên, tập đoàn khí đốt Latvijas Gāze của Latvia đã tuyên bố trên trang web công ty đã kí kết một thỏa thuận dài hạn với nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực tới năm 2030 và sẽ được thanh toán bằng đồng Euro.

Ngoài ra, thông báo của công ty cũng cho biết việc thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga sẽ không bị bác bỏ và công ty đang cân nhắc tới đề xuất này. Theo các ấn tượng đầu tiên, các thủ tục yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble của Nga không vi phạm các lệnh trừng phạt và hoàn toàn có khả năng xảy ra. Do đó, công ty khí đốt của Latvia tuyên bố đang cân nhắc và phân tích một phương thức thanh toán mới từ quan điểm pháp lý và kinh doanh.

Việc Latvijas Gāze sẵn sàng tiếp tục làm ăn với Nga có thể gây tranh cãi, đặc biệt là khi báo chí quốc tế đã đưa tin rộng rãi rằng các nước Baltic đã hoàn toàn ngừng việc nhập khẩu nguồn cung khí đốt từ Nga. Thêm vào đó, Chủ tịch hội đồng quản trị của Latvijas gāze là ông Aigars Kalvitis trước đó cũng từng tuyên bố khả năng thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble là không cao. Nguyên nhân ông đưa ra là do các hợp đồng hiện hành vẫn đang quy định thanh toán bằng đồng Euro.

Ở một diễn biến khác, Latvijas Gāze là công ty thuộc sở hữu của doanh nghiệp khí đốt nhà nước Gazprom Nga với 34% cổ phần. 16% cổ phần khác trong doanh nghiệp này thuộc sở hữu của Itera Latvija - một công ty con dưới quyền một công ty năng lượng khác của Nga. Tất cả những con số này đã khiến cổ phần của các doanh nghiệp Nga trong Latvijas Gāze chiếm tới 50%.

Tin liên quan

Đọc tiếp