Thời gian dần cạn kiệt với lực lượng Ukraine tại Bakhmut

chiến sự Nga - Ukraine
16:09 - 02/03/2023
Lực lượng Nga tấn công Bakhmut dữ dội, khiến quân đội Ukraine đứng trước áp lực rút lui để bảo toàn lực lượng. Ảnh: TASS
Lực lượng Nga tấn công Bakhmut dữ dội, khiến quân đội Ukraine đứng trước áp lực rút lui để bảo toàn lực lượng. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Bakhmut đang là điểm nóng nhất trên chiến trường Donetsk khi lực lượng vũ trang Nga tập trung hỏa lực tấn công liên tục từ nhiều hướng nhằm giành lấy thành phố chiến lược này, trong khi quân đội Ukraine đứng trước sức ép phải rút lui để giảm thiếu tổn thất.

Là một thành phố nằm cách Donetsk 55 km về phía Đông Bắc, Bakhmut được coi là một thành trì và là trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Ukraine. Do đó, việc quân đội Nga chiếm giữ được Bakhmut (thường được Nga gọi là Artyomovsk) sẽ là một chiến thắng chiến lược giúp mở đường cho việc kiểm soát hoàn toàn phần còn lại của khu vực Donbass. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2/2022, Nga vẫn luôn coi khu vực công nghiệp Donbass là một trong những mục tiêu chính.

Theo Reuters, trận chiến giành Bakhmut bắt đầu khoảng 7 tháng trước. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, những bước tiến của quân đội Nga cũng như sức ép pháo binh mà lực lượng này tạo ra đã khiến phía Ukraine chịu nhiều áp lực. Với chủ lực tấn công là các binh sĩ Wagner, Nga đã bao vây thành phố này ở 3 hướng bắc, đông, nam và chỉ còn duy nhất hướng tây là lối thoát cho các binh lính Ukraine.

Tuy không công bố cụ thể thương vong, Nga đã tấn công thành phố này quyết liệt tới mức bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng phải thừa nhận cuộc chiến tại đây “giống như địa ngục”. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine khẳng định mình vẫn đang kháng cự quyết liệt, dù không phải ai cũng tin rằng việc này có thể tiếp tục lâu dài.

Theo lời ông Serhiy Rakhmanin, một thành viên của Quốc hội Ukraine phát biểu trên đài phát thành NV tối ngày 1/3, ông tin rằng “sớm hay muộn chúng ta cũng phải rời Bakhmut”. Nguyên nhân được ông đưa ra là do phía Ukraine không có lý do gì để giữ lại thành phố này bằng mọi giá.

Dù vậy, ông cho biết Bakhmut vẫn sẽ được bảo vệ nhằm một số mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là gây ra càng nhiều tổn thất cho Nga cũng như buộc nước này phải tiêu tốn càng nhiều đạn dược và tài nguyên. Ông Rakhmanin khẳng định không một tuyến phòng thủ nào được phép sụp đổ lúc này.

Đây không phải lần đầu các quan chức Ukraine nhắc tới vấn đề rút lui. Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 28/2, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là ông Alexander Rodnyansky cũng cho biết các lực lượng vũ trang nước này có thể "rút lui chiến lược" khỏi thành phố Bakhmut nếu cần thiết.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn với CNN trong cùng ngày, ông Sergey Cherevaty, phát ngôn viên của nhóm phía đông lực lượng vũ trang Ukraine cho biết việc rút quân có thể xảy ra nếu mối đe dọa đối với các binh lính trở nên quá cao và vượt qua “yêu cầu giữ gìn lãnh thổ”. Vào thời điểm đó, quân đội Ukraine sẽ rút lui "một cách có tổ chức và không hoảng loạn".

Ông cho biết: "Chỉ cấp chỉ huy mới có thể thấy bước đi đó cần thiết như thế nào trong tình hình hiện tại. Sau đó, quyết định tương ứng sẽ được đưa ra tại cuộc họp tổng tham mưu. Tôi có thể nói rằng, hiện tại, quyết định đó vẫn chưa được đưa ra".

Trên thực tế, thông báo tối ngày 1/3 của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết lực lượng Ukraine vẫn "đang kiểm soát từng khu vực của mặt trận". Ngược lại, phía Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát được một số khu vực ở ngoại ô Bakhmut gồm Kleshcheyevka, Podgorodnoye, Paraskoviyevka, Berkhovka và Yagodnoye.

Đọc tiếp