Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne từ chức

Chính trị Pháp
12:18 - 09/01/2024
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/1, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thông báo từ chức trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Macron tìm cách tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ 2, trước thềm cuộc bầu cử quốc hội châu Âu và Thế vận hội Paris vào mùa hè này.

Theo hãng tin Reuters dẫn lời Văn phòng Tổng thống Pháp, “bà Elisabeth Borne đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống ngày hôm nay và đã được chấp thuận”. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X cùng ngày, Tổng thống Macron gửi lời cảm ơn tới bà Borne vì “cống hiến một cách mẫu mực mỗi ngày để phục vụ đất nước chúng ta”. Ông nhận định bà đã thực hiện các quyết sách “bằng lòng dũng cảm, sự cam kết và quyết tâm của một nữ chính khách”.

Trước mắt, ông Macron vẫn chưa tiến cử người kế nhiệm, do đó bà Borne vẫn sẽ tiếp tục giữ chức vụ cùng với các thành viên khác của chính phủ cho tới khi chính phủ mới được thành lập.

Những ứng cử viên tiềm năng có thể thay thế bà Borne hiện được cho là bao gồm Bộ trưởng Giáo dục Gabriel Attal, 34 tuổi và Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu, 37 tuổi. Nếu thành công, cả 2 quan chức trên đều có cơ hội trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Pháp.

Ngoài ra, các nguồn tin chính trị cũng nhắc tới Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Julien Denormandie, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin như những lựa chọn khả thi cho vị trí thủ tướng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có nhiều suy đoán cho rằng Tổng thống Pháp sẽ thực hiện một cuộc cải tổ sau cam kết hồi tháng 12/2023 của ông về một sáng kiến chính trị mới. Trong lá thư từ chức của mình, bản thân bà Borne cũng cho biết bà cùng Tổng thống Macron đã đồng ý trong cuộc gặp gần đây nhất rằng “việc tiếp tục cải cách là cần thiết hơn bao giờ hết”.

Trong năm 2023, Pháp đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị gây ra bởi những cải cách liên quan tới việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 64, dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc. Những người phản đối càng thêm tức giận khi Tổng thống Emmanuel Macron sau đó quyết định viện dẫn điều 49.3 trong hiến pháp nhằm thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tuy thành công với kế hoạch cải cách tuổi nghỉ hưu, Tổng thống Macron phải nhận lại tỷ lệ tín nhiệm giảm sút đáng kể đi kèm với sự không hài lòng của hầu hết người dân Pháp. Hiện tại, nhiều cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng của ông Macron đang kém đảng của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen khoảng 8 đến 10 điểm phần trăm trước cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2027.

Trước mắt, những ứng cử viên tiềm năng bao gồm cựu Thủ tướng Edouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cùng Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Tuy nhiên, sự ủng hộ ngày càng gia tăng đối với bà Le Pen dưới tư cách là một tổng thống tiềm năng trong vòng 18 tháng qua đang khiến nhiều chính trị gia đưa ra suy đoán rằng bà có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.

Đọc tiếp