Thủ tướng Trung Quốc phát biểu khai mạc hội nghị WEF Thiên Tân

KINH TẾ THẾ GIỚI
17:00 - 27/06/2023
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại sự kiện WEF ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 27/6. Ảnh: CGTN
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại sự kiện WEF ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 27/6. Ảnh: CGTN
0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 14 của Các nhà tiên phong, hay còn gọi là sự kiện Summer Davos của WEF ngày 27/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra các quan điểm về cách nhân loại có thể vượt qua thời kỳ hỗn loạn.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Thiên Tân (Trung Quốc) được tổ chức từ 27/6 đến 29/6 tại thành phố ở phía Bắc Trung Quốc với mục tiêu cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tiềm năng và phát triển kinh tế toàn cầu trong thời kỳ hậu đại dịch. Theo Global Times, sự kiện năm nay thu hút khoảng 1.500 người tham gia từ doanh nghiệp, chính phủ, các tổ chức quốc tế và học viện.

Với chủ đề "Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu", sự kiện bao trùm 6 chủ đề chính là phục hồi tăng trưởng, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu, người tiêu dùng sau đại dịch, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu cùng triển khai đổi mới.

Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 27/6, Tân Hoa Xã trích dẫn lời chia sẻ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường: “Tôi tin rằng chúng ta có thể rút ra một số bài học rất quan trọng từ những biến đổi xảy ra trên thế giới trong vài năm qua”. Trong bối cảnh nhân loại đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, ông kêu gọi cộng động quốc tế tăng cường các nỗ lực liên lạc và trao đổi.

Theo ông, “sự thiếu vắng các nỗ lực giao tiếp hiệu quả và thiếu nhận thức toàn diện, tổng thể và khách quan có thể dễ dàng dẫn đến định kiến và thậm chí là khuôn mẫu”. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh vào sự đoàn kết và hợp tác sau khi thế giới trải qua những cú sốc của các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Chia sẻ với những người tham dự hội nghị, ông khẳng định: "Là một cộng đồng có tương lai chung, chúng ta phải trân trọng những lợi ích của sự hợp tác, nắm lấy khái niệm hợp tác cùng có lợi và cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu này và thúc đẩy tiến bộ của loài người”.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh các quốc gia và chính phủ cần trân trọng sự cởi mở và hợp tác hơn nữa sau khi đã trải qua nhiều thách thức tới từ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế. Ông khẳng định: "Toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng lịch sử. Bất chấp những khó khăn và trở ngại, xu hướng phát triển của toàn cầu hóa kinh tế vẫn sẽ tiếp tục tiến về phía trước”.

Thủ tướng Trung Quốc cũng chia sẻ hòa bình và ổn định là các yếu tố cần được trân trọng, nhất là sau những xung đột và bất ổn trên toàn thế giới. Để có thể đạt được điều này, ông kêu gọi những nỗ lực vững chắc để duy trì sự công bằng và chính nghĩa, nỗ lực giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh và cùng nhau bảo vệ môi trường phát triển.



Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Thiên Tân (Trung Quốc) hay còn là Summer Davos của WEF. Ảnh: CGTN

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Thiên Tân (Trung Quốc) hay còn là Summer Davos của WEF. Ảnh: CGTN

Cũng trong khuôn khổ bài phát biểu, ông Lý Cường còn cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới về việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế. Straits Times trích dẫn ông cho biết: “Một số người đang thổi phồng cái gọi là giảm thiểu sự phụ thuộc và loại bỏ rủi ro. Tôi nghĩ, ở một mức độ nào đó, hai từ giảm thiểu sự phụ thuộc và rủi ro là một mệnh đề sai lầm”. Nguyên nhân là do nền kinh tế của mọi quốc gia “đan xen và phụ thuộc lẫn nhau”.

Theo ông, nếu có rủi ro xảy ra trong một chuỗi công nghiệp nhất định, thì “chính phủ hay bất kỳ tổ chức nào cũng không quyết định được”. Doanh nghiệp là đối tượng nhạy cảm nhất với rủi ro và “cũng có tiếng nói nhất”. Do đó, ông nhận định: “Doanh nghiệp nên có cân nhắc và lựa chọn phù hợp trong khi chính phủ và các tổ chức liên quan của họ không nên vượt quá thẩm quyền và không nên chính trị hóa, ý thức hệ hóa hoặc khái quát hóa việc loại bỏ rủi ro. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề”.

Những nhận xét này của ông giống với những tuyên bố được ông đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du tới Đức và Pháp hồi tuần trước trong bối cảnh châu Âu và cả Mỹ đang đẩy mạnh giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp