Tổng thư ký NATO: ‘Nga đang thắng trong cuộc chiến hậu cần ở Ukraine'

chiến sự Nga - Ukraine
15:25 - 24/02/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: BQP Mỹ
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: BQP Mỹ
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký NATO cảnh báo phương Tây không nên đánh giá thấp lợi thế hỏa lực của Nga, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đang trở thành “cuộc chiến tiêu hao”. Nhà lãnh đạo này cho biết Moscow đang chuyển nhiều đạn dược và nhân lực đến tiền tuyến hơn Ukraine.

Phát biểu với nhà báo Christine Amanpour của đài CNN tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) cuối tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết mức tiêu thụ đạn dược của Ukraine đang “cao hơn tổng sản lượng của NATO" và nói thêm rằng tình trạng này “không thể tiếp diễn”.

“Cho đến nay, kho dự trữ của chúng ta đã cạn kiệt. Nhưng đến một lúc nào đó chúng ta cần sản xuất thêm đạn dược", ông nói.

Mặc dù Ukraine đã nhận được nguồn cung đạn dược từ phương Tây trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm gần 1,5 triệu quả đạn pháo từ Mỹ, nhưng Nga đã nắm giữ lợi thế về hỏa lực kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm ngoái.

Theo hầu hết các đánh giá của phương Tây, quân đội Kiev đang tiêu hao từ 5.000 - 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Còn các ước tính về hỏa lực của Nga rất khác nhau, từ 5.000 - 60.000 quả đạn mỗi ngày.

Một binh sĩ Ukraine tại bãi chứa đạn gần thị trấn Izium, Ukraine. Ảnh: AP

Một binh sĩ Ukraine tại bãi chứa đạn gần thị trấn Izium, Ukraine. Ảnh: AP

Tổng thư ký NATO đã nhiều lần kêu gọi các nước thành viên trong khối cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây khác tăng cường sản xuất đạn dược để thu hẹp khoảng cách với Nga. Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell hôm 19/2 lưu ý rằng những bên ủng hộ Ukraine cần giải quyết tình trạng thiếu đạn dược trong vòng “vài tuần”, nếu muốn Kiev có bất kỳ cơ hội thành công trên chiến trường.

Kể từ mùa thu năm ngoái, cuộc xung đột ở Ukraine đã “chuyển thành cuộc chiến tiêu hao”, ông Stoltenberg cho hay. Ông giải thích rằng: “Cuộc chiến tiêu hao là một cuộc chiến về hậu cần, trong đó bạn phải có đủ mọi thứ như vật chất, phụ tùng thay thế, đạn dược, nhiên liệu để cung cấp cho tiền tuyến”.

Theo RT, mặc dù quan chức này có quan điểm rõ ràng về việc phải cần thiết tăng cường sản xuất vũ khí, nhưng ông lại không nêu rõ việc NATO muốn cuộc xung đột kết thúc như thế nào. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, ông Stoltenberg cho rằng "không ai biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào và khi nào" và liệu nó "có thể sẽ được giải quyết tại bàn đàm phán hay không".

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự và có nguy cơ leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã chính thức xảy ra tròn một năm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện tại, thành phố Bakhmut và các khu vực vùng Donbass ở miền Đông Ukraine là các mặt trận giao tranh khốc liệt nhất. Cả Nga và Ukraine đều dồn toàn lực, bao gồm quân nhân và khí tài quân sự, để giành được thành phố chiến lược này.

Tin liên quan

Đọc tiếp