Tổng thư ký NATO: ‘Tất cả các thành viên ủng hộ kết nạp Ukraine’

chiến sự Nga - Ukraine
11:52 - 10/05/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Washington Post
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Washington Post
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tất cả các quốc gia thành viên của khối quân sự đều hoan nghênh việc Ukraine gia nhập. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệm vụ hiện nay của NATO là hỗ trợ Kiev và ngăn chặn leo thang căng thẳng với Nga. 

Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post cuối tuần trước, Tổng thư ký NATO cho biết: “Trước hết, tất cả các đồng minh NATO đều đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối. Tất cả đều đồng ý rằng Ukraine có quyền lựa chọn con đường của riêng mình. Điều đó không phải để Moscow quyết định, mà phải là để Kiev làm. Thứ ba, tất cả đồng minh đều đồng ý rằng cánh cửa của NATO vẫn rộng mở”.

Tuy nhiên, ông nói “không thể đưa ra mốc thời gian cụ thể” cho việc kết nạp Ukraine.

Trước đó, người đứng đầu NATO cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 4. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải phản ứng từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, khi ông cho rằng NATO chưa được nhận sự tham vấn của Budapest.

Ông Stoltenberg cho biết, khối quân sự đang giúp Ukraine “chuyển đổi từ các thiết bị, học thuyết, tiêu chuẩn thời Liên Xô” để có thể “tương thích với các lực lượng NATO”, đồng thời cải cách và hiện đại hóa các thể chế quân sự và quốc phòng của Kiev.

“Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Bởi vì nếu Ukraine không làm được điều đó, sẽ không có gì để thảo luận cả”, ông nói.

Tổng thư ký NATO: ‘Tất cả các thành viên ủng hộ kết nạp Ukraine’ ảnh 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung, ngày 20/4. Ảnh: AP

Lãnh đạo này nhấn mạnh NATO đang có 2 nhiệm vụ cơ bản, bao gồm hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn căng thẳng leo thang. Ông khẳng định NATO “không phải bên tham gia vào cuộc xung đột” và lập luận rằng việc triển khai 40.000 quân thuộc hải quân và không quân tới Đông Âu nhằm mục đích tránh leo thang với Nga.

Ông tiết lộ rằng đồng minh NATO ngoài EU là Mỹ, Canada và Anh đã cung cấp 78% hỗ trợ của liên minh cho Ukraine, cũng như huấn luyện quân đội cho Kiev kể từ năm 2014.

“Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi căn bản NATO, nhưng phải nhớ rằng cuộc chiến này không bắt đầu vào năm 2022. Nó bắt đầu vào năm 2014”, ông Stoltenberg tuyên bố, đồng thời nói rằng các thành viên của khối đã “tăng đáng kể” chi tiêu quân sự kể từ đó.

Bình luận về khả năng Trung Quốc đóng vai trò trung gian trong đàm phán chấm dứt cuộc xung đột, ông Stoltenberg tuyên bố: “Cho đến nay, họ vẫn chưa lên án cuộc xung đột, nhưng tôi hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Khi được hỏi về việc sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với Kiev đang giảm dần, đặc biệt là các đảng viên Cộng hòa, lãnh đạo này nhấn mạnh: “Sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ dành cho Ukraine sẽ vẫn còn. Nhất là vì điều này nằm trong lợi ích an ninh của Mỹ”.

Nga và Ukraine chưa đưa ra bình luận về những tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Tổng thư ký NATO.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi cuối tháng 9/2022. Giới chức Kiev kêu gọi khối quân sự này cần đẩy nhanh quy trình xét duyệt và phê chuẩn.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết, Ukraine có thể phải mất nhiều năm để được kết nạp làm thành viên chính thức, ngay cả khi cuộc xung đột với Nga kết thúc và đơn xin gia nhập của Kiev được các nước NATO khác phê duyệt.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần nói rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ của nước này. Từ trước khi chiến sự nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được gia nhập vào khối quân sự này. Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.