Trí tuệ nhân tạo đang tác động như thế nào đến báo chí

Báo chí AI.
11:05 - 22/06/2023
Trí tuệ nhân tạo đang tác động như thế nào đến báo chí
0:00 / 0:00
0:00
Khi thế giới tiến gần hơn với công nghệ hiện đại, sự xuất hiện như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm nên "cú hích" trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Nhiều tiềm năng

Theo đánh giá của The Economic Times, các công cụ AI hứa hẹn một "cuộc cách mạng" về báo chí truyền thống với khả năng tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu và giảm bớt những công việc lặp lại, tốn công sức.

Ông Alex Connock, tác giả cuốn Media Management and Artificial Intelligence (tạm dịch là Quản lý truyền thông và trí tuệ nhân tạo) cũng đưa ra quan điểm tương tự.

"Các công ty truyền thông sẽ sử dụng, thiết lập các công cụ AI một cách thông minh hơn để đưa tin đến độc giả và cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ. Việc thành công khi sử dụng các công cụ AI này sẽ quyết định sự phát triển hoặc thất bại của các công ty truyền thông trong tương lai", ông Connock chia sẻ.

Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng sức mạnh của AI vào hoạt động làm báo và đưa tin thường ngày.

Hãng thông tấn AP của Mỹ là một trong những toà soạn đầu tiên của làng báo thế giới sử dụng robot để viết tin, bài. Năm 2014, bước tiếp cận lĩnh vực AI đầu tiên của hãng tin này là tập trung vào vấn đề tự động hoá những công việc lặp đi lặp lại trong quá trình viết tin, bài luôn theo một cấu trúc chung. Mô hình tự động hoá này chủ yếu được dùng để sản xuất thông tin tài chính hoặc tổng hợp kết quả các trận đấu thể thao.

Hay như tờ The Washington Post năm 2016 đã giới thiệu Heliograf - một newsbot AI để sản xuất tin bài tự động. Heliograf quét phương tiện truyền thông xã hội, tin tức và các nguồn khác để tìm tin nóng, sau đó sử dụng thuật toán machine learning (máy học) để viết bài trong thời gian thực. Nhờ đó, The Washington Post có thể đưa tin về bất kỳ sự kiện, thậm chí là trận đấu nào mà họ có dữ liệu và người hâm mộ có thể theo dõi vào ngay thời điểm mà nó diễn ra.

The Washington Post sử dụng Heliograf để tạo bản tóm tắt tự động về tin tức.

The Washington Post sử dụng Heliograf để tạo bản tóm tắt tự động về tin tức.

Ngoài ra, trong thế giới công nghệ phục vụ làm báo, những công cụ chỉnh sửa ảnh và video như Midjourney, Wibbitz được phát triển để giúp tăng cường khả năng sáng tạo và phát triển nội dung báo chí đa phương tiện.

Với sự trợ giúp của AI, các phóng viên, biên tập viên có thể sản xuất nhiều tác phẩm độc đáo và ấn tượng, giúp thu hút sự chú ý của người đọc nhằm tăng tương tác giữa độc giả với báo chí.

Nhiều vấn đề phát sinh

Mặc dù các giải pháp AI đã cải thiện đáng kể về chất lượng và số lượng trong lĩnh vực báo chí nhưng cũng đặt ra những câu hỏi đạo đức xoay quanh quyền tác giả và đạo nhái.

Nếu một nhà báo phụ thuộc quá nhiều vào AI để viết câu chuyện của họ thì ai mới là tác giả của những nội dung đó và có thể được xem là người sáng tạo? Cùng với đó là khả năng AI vô tình đạo văn từ nhiều nguồn khác nhau cũng đặt ra một thách thức đáng suy ngẫm về tính toàn vẹn và chính xác của báo chí.

Một minh chứng rõ nét, trang tin tức CNET của Mỹ đã tham gia rất sớm vào cuộc đua này khi sử dụng công cụ AI của công ty Red Ventures phát triển để viết các bài báo từ năm ngoái. Tuy nhiên, CNET từng nhiều lần phải đăng tin cải chính sau khi bị phát hiện vô vàn lỗi bao gồm cả lỗi kiến thức, lỗi logic và lỗi đạo văn trong các bài báo được viết bởi trí tuệ nhân tạo. Trong cuộc họp hồi tháng 1/2023, ban biên tập trang tin CNET đã phải tạm dừng kế hoạch xuất bản các bài báo được viết bằng AI.

Một ví dụ khác về nhược điểm của AI được thể hiện trong câu chuyện xuất bản trên Information Age. Ấn phẩm đã sử dụng công cụ ChatGPT để viết toàn bộ câu chuyện về chatbot này và đăng thành phẩm kèm theo một đoạn giới thiệu ngắn.

Tác phẩm đạt yêu cầu khi cung cấp khá đầy đủ các thông tin và sắp xếp một cách mạch lạc. Nhưng khi "viết" tác phẩm, ChatGPT cũng tạo ra các trích dẫn giả và gán chúng cho một nhà nghiên cứu của OpenAI là John Smith. Điều này nhấn mạnh sự thất bại của một mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT là không biết cách tách biệt thực tế và hư cấu.

Về vấn đề trên, ông Holden Thorp, Tổng Biên tập của tạp chí Science nhận định, việc sử dụng ngôn ngữ do AI tạo ra mà không có trích dẫn có thể bị coi là đạo văn. Bởi khả năng tạo ra câu trả lời chính xác cho các câu hỏi kỹ thuật của công cụ AI vẫn đang khiến các chuyên gia nghi ngờ.

"Các công nghệ AI như ChatGPT chỉ nên là công cụ hỗ trợ con người, chứ không phải sử dụng nó để thay thế con người trong các bài báo, bởi con người có quan điểm độc đáo mà AI không thể nào sao chép được".

Ông Holden Thorp, Tổng Biên tập của tạp chí Science

Vậy "AI có thực sự tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí không?" là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, ngay cả khi AI trở nên xuất sắc đến mức thay thế được con người làm công việc viết lách, nó vẫn không thể suy nghĩ hoặc đưa ra cảm nhận riêng về tình hình xã hội, nền kinh tế của một quốc gia hay bất kỳ một phát minh nào như một nhà báo thực thụ.

Bởi bản chất của ngôn ngữ là sự kết nối giữa người với người trong bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm. Nếu độc giả không còn cảm nhận được ý nghĩa của những câu từ mà nhà báo truyền tải, sự kết nối sẽ sụp đổ.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.