Tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc giảm 40% trong một thập kỷ

nhân khẩu học HÀN QUỐC
09:22 - 05/03/2024
Nhiều người Hàn Quốc coi vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất đối với hôn nhân. Ảnh: Reuters
Nhiều người Hàn Quốc coi vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất đối với hôn nhân. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Số liệu chính thức của chính phủ Hàn Quốc cho biết, số lượng các cặp đôi kết hôn tại quốc gia này trong năm 2023 giảm 40% so với một thập kỷ trước, khiến cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng.

Theo The Korea Herald trích dẫn Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, nước này ước tính ghi nhận khoảng 193.673 cặp đôi kết hôn vào năm 2023, giảm mạnh 40% so với con số 322.807 cặp đôi lựa chọn kết hôn vào năm 2013. Tuy nhiên, nếu so với một năm trước đó, số liệu của năm 2023 đánh dấu mức tăng 1%, tương đương với việc có thêm 1.982 cặp đôi kết hôn tại quốc gia này trong năm 2023. Trong năm 2022, số lượng các cặp đôi kết hôn giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục là 191.690.

Đi cùng với tỷ lệ kết hôn giảm 40% trong một thập kỷ là sự thay đổi các chuẩn mực xã hội, theo một cuộc khảo sát do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố. Cụ thể, kết quả cho thấy trong số những người Hàn Quốc ở độ tuổi từ 19 đến 34 được hỏi vào năm 2022, chỉ có khoảng 1/3 người có quan điểm tích cực về việc kết hôn. Điều này thể hiện sự thay đổi lớn so với năm 2012 khi hơn một nửa, tương đương 56,5%, có quan điểm tích cực về hôn nhân.

Xét theo giới tính, 43.8% nam giới bày tỏ quan điểm tích cực, giảm so với mức 66,1% hồi năm 2012. Trong khi đó, chỉ có 28% nữ giới bày tỏ quan điểm tích cực với hôn nhân trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 46,9% một thập kỷ trước.

Xét về nhóm tuổi, đã có sự thay đổi đáng chú ý trong số những người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 không muốn kết hôn. Tỷ lệ kết hôn ở độ tuổi từ 25 đến 29 giảm từ 59,5% năm 2012 xuống 36,1% vào năm 2022. Thêm vào đó, những người ở độ tuổi 30 đến 34 có xu hướng kết hôn cao nhất, ở mức 39,2% nhưng vẫn giảm từ ngưỡng 54,3% của một thập kỷ trước.

Đối với giới trẻ Hàn Quốc, trở ngại lớn nhất đối với hôn nhân là tiền bạc. Cụ thể, có tới 33,7% số người được hỏi – tỷ lệ lớn nhất – cho rằng thiếu nguồn tài chính là trở ngại chính cho hôn nhân. Trong khi đó, có 17.3% người cho rằng việc kết hôn là không cần thiết. Những thách thức khác được liệt kê bao gồm lo ngại về gánh nặng sinh con và nuôi con (11% và điều kiện việc làm không ổn định (10,2%).

Dữ liệu về số lượng các cặp đôi kết hôn suy giảm mạnh được ghi nhận trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc tụt xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023. Cụ thể, số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc dự kiến sẽ sinh trong suốt cuộc đời đã giảm xuống mức 0,72 trong năm ngoái. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thậm chí còn giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,65. Riêng thủ đô Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất là 0,55 vào năm ngoái.

Con số này đang thấp hơn nhiều so với mức sinh cần thiết 2,1 con/phụ nữ để duy trì dân số ở mức 51 triệu người một cách ổn định mà không cần nhập cư. Kể từ năm 2018, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia duy nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1.

Trong năm ngoái, số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm 7.7% so với năm 2022. Con số này đã dao động dưới mức 400.000 lần đầu tiên vào năm 2017, sau đó giảm sâu xuống dưới 300.000 vào năm 2020 và xuống dưới 250.000 vào năm 2022. Quốc gia này đã chịu sự suy giảm dân số tự nhiên liên tiếp trong 4 năm kể từ năm 2020 và tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, đến năm 2072, dân số Hàn Quốc dự báo sẽ giảm xuống còn 36,22 triệu người, trong khi độ tuổi trung bình sẽ tăng từ 44,9 (năm 2022) lên 63,4. Tại một diễn đàn năm 2023, GS danh dự David Coleman của Đại học Oxford đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới biến mất vì tình trạng “tuyệt chủng dân số” vào khoảng năm 2750 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp.

Đọc tiếp