UNDP: 'Gần nửa dân số Myanmar sẽ sống trong đói nghèo'

Khủng hoảng Myanmar
10:37 - 01/12/2021
Một gia đình vô gia cư ở Yangon, Myanmar. Ảnh: UN
Một gia đình vô gia cư ở Yangon, Myanmar. Ảnh: UN
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa cho biết, đến đầu năm 2022 sẽ có gần một nửa dân số Myanmar phải sống trong tình trạng nghèo đói do suy thoái kinh tế bởi đại dịch và bất ổn chính trị.

UNDP định nghĩa những người ở dưới mức đói nghèo khi sống với ít hơn 1.590 kyat một ngày, tương đương 0,9 USD. Vào đầu năm 2022, tỉ lệ này tại Myanmar rất có khả năng sẽ rơi vào mức 46,3%, tăng gấp đôi mức ghi nhận được vào năm 2017 là 24,8%. Ở khu vực thành thị, tỉ lệ những người phải sống trong cảnh đói nghèo sẽ tăng hơn 3 lần từ 11,3% lên tới 37,2%.

Kanni Wignaraja, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ với Nikkei Asia hôm 30/11: “Việc phần lớn dân số phải quay trở lại cảnh đói nghèo ở quy mô này có thể đồng nghĩa với sự biến mất của tầng lớp trung lưu trong xã hội”.

Tăng trưởng kinh tế lại thường được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu do những chi tiêu của tầng lớp này sẽ "tạo ra việc làm mới” và “doanh nghiệp mới." Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 và biến động chính trị, các ngành dệt may, du lịch, khách sạn và xây dựng từng một thời phát triển mạnh của Myanmar đều đã bị phá hủy. Tầng lớp trung lưu trong xã hội Myanmar hiện nay cũng đang phải đứng trước nhiều nguy cơ. Những người bị mất việc bị buộc phải dựa vào tiền tiết kiệm của gia đình để bổ sung cho những khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á vào tháng 9, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này được dự báo sẽ giảm 18,4% vào năm 2021. Con số này gần gấp đôi so với mức dự đoán 9,8% trước đó.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình ngày 24/2. Ảnh: Reuters

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình ngày 24/2. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của UNDP, cuộc chính biến vào tháng 2/2021 và đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của các doanh nghiệp phi nông nghiệp tại Myanmar ước tính giảm 50%, lương và thu nhập nông nghiệp giảm 25%, kiều hối và chuyển giao xã hội giảm 10%. Và như một hệ quả tất yếu, gần một nửa dân số nước này đang phải đối mặt với thời kì khủng hoảng.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào cho thấy tình trạng trên sẽ kết thúc ở Myanmar. Trước đó, UNDP dự kiến xung đột giữa quân đội và những người biểu tình sẽ dần giảm xuống. Tuy nhiên, bà Wignaraja cho biết căng thẳng vẫn đang "bùng phát ở các khu vực khác nhau của đất nước". Tình trạng này gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới các hộ nông dân nhỏ do thị trường và chuỗi cung ứng đều đã bị phá hủy.

Do đó nỗ lực của Myanmar trong hơn một thập kỉ nhằm xóa nghèo cho một nửa dân số rất có thể sẽ bị đảo ngược.

Đọc tiếp