Vì sao các công trình xanh trong xây dựng tại Việt Nam còn khiêm tốn

Xây dựng Xanh hóa
15:41 - 18/10/2023
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc kỹ thuật của công ty L-Form. Ảnh: Anh Thư
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc kỹ thuật của công ty L-Form. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc kỹ thuật của công ty L-Form, cần xây dựng thị trường về sản phẩm, dịch vụ cho công trình xanh như vật liệu xây dựng, dịch vụ thiết kế, đo đạc… Từ đó, tạo động lực để doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng công trình xanh.

"Giai đoạn vàng" thúc đẩy phát triển các công trình xanh, bền vững

Sáng 18/10, tại Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức, PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về công trình xanh.

Trong đó, có thể kể đến việc phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng toà nhà… trong đó quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu nhằm góp phần xây dựng tòa nhà có công năng hiệu quả.

Theo PGS. TS Lê Trung Thành, các cơ chế, chính sách đã bước đầu khuyến khích sự phát triển của các công trình xanh trong xây dựng.

PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng. Ảnh: Anh Thư

PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng. Ảnh: Anh Thư

Nhìn từ góc độ thị trường, ông Tạ Đắc Quý, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng cho rằng, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn.

Chính vì vậy, đây được coi là “giai đoạn vàng” thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Nói rõ hơn về công trình xanh, các chuyên gia cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để làm nên các công trình xanh hiệu quả là vật liệu xây dựng phải tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường, chưa có nhiều nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Điều gì làm doanh nghiệp "chùn chân" trước "ngưỡng cửa xanh"?

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, công trình xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều công trình xanh xuất hiện tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến năm 2022, Việt Nam chỉ mới có khoảng 300 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh.

Con số này so với các nước trong khu vực và thế giới còn quá khiêm tốn. Ví dụ như với Singapore, đất nước chỉ có diện tích nhỏ bằng Hà Nội, nhưng đã có tới 3.000 công trình xanh.

Câu hỏi được các diễn giả tập trung giải quyết trong buổi hội thảo là: “Lý do khiến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế là gì?”

Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng, hiện nay, chi phí là một trong những khía cạnh quan trọng của việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Song, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Thành Vũ, nhà sáng lập Công ty TNHH Edeec đánh giá, nguyên nhân của sự chậm phát triển này không hoàn toàn xuất phát từ kinh tế. Mà là do cách mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận để đạt được chứng chỉ công trình xanh.

Thông thường, các nhà đầu tư đang mặc định để xây dựng được một công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng thì chi phí bỏ ra ban đầu sẽ rất nhiều. Sau đó, những chi phí này rất khó có thể được thu về trong quá trình vận hành. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực tài chính để vay vốn, huy động tài chính đầu tư cho công trình xanh.

Do đó, ông Vũ nhấn mạnh, cần có sự đổi mới ngay từ khâu thiết kế, kỹ thuật, nhằm giúp giảm giá thành của công trình, về mức vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với giá thành công trình thông thường hiện tại.

“Tôi cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy”

Ông Trần Thành Vũ, nhà sáng lập Công ty TNHH Edeec

Để giảm được giá thành, ông Trần Thành Vũ cho rằng có 2 khía cạnh cần được cải thiện, gồm khía cạnh về kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong khẩu thiết kế. Thứ hai là về các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu và xây dựng các công trình xanh, cũng như cần có chính sách hỗ trợ về dịch vụ, năng lượng để giảm giá thành công trình.

Đồng tình với ý kiến của ông Vũ, trao đổi thêm với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc kỹ thuật của công ty L-Form cho rằng, Chính phủ trước tiên cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, xây dựng các công trình xanh.

Từ đó, tạo nên một thị trường về các sản phẩm, dịch vụ cho công trình xanh như vật liệu xây dựng, dịch vụ thiết kế, đo đạc… Bởi “có cầu thì ắt có cung”. Khi có được thị trường, thì doanh nghiệp mới có động lực để bắt tay vào xây dựng các công trình xanh để theo kịp xu thế.

Ngoài ra, ông Bảo cũng đề nghị cần có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể từ phía Nhà nước về các công trình xanh và vật liệu xanh nhằm gia tăng sự thống nhất và bền vững đối với các công trình này.

Hiện nay, tại Việt Nam, công trình xanh được đánh giá theo các bộ tiêu chí của nước ngoài. Việt Nam mới chỉ có duy nhất bộ tiêu chí của công ty Sen Vàng để đánh giá công trình xanh, nhưng đây vẫn là bộ tiêu chí của tư nhân.

Tin liên quan

Đọc tiếp