Xu hướng muốn đàm phán với Nga xuất hiện tại Ukraine

đàm phán Nga - Ukraine
15:41 - 10/03/2023
Một cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng Brest, Belarus, ngày 7/3/2022. Ảnh: BelTA
Một cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng Brest, Belarus, ngày 7/3/2022. Ảnh: BelTA
0:00 / 0:00
0:00
Theo người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov ngày 10/10, ngày càng nhiều người Ukraine muốn thấy Kiev ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Moscow và ông nhận định đây là một “xu hướng rất nguy hiểm”.

Theo hãng tin RIA Novosti trích dẫn lời ông Aleksey Danilov trên một chương trình trò chuyện trực tiếp của Ukraine mang tên “Greater Lviv speak”, những người ủng hộ chính phủ tiến hành các cuộc đàm phán với Nga đang ngày càng gia tăng về số lượng. Ông cho biết đây là “một xu hướng rất nguy hiểm” trong bối cảnh ngay cả những người ở tây Ukraine bắt đầu cân nhắc tới điều này.

Trong buổi trò chuyện này, ông cũng đề cập đến một chính trị gia địa phương ở khu vực phía tây Lviv - người được cho là đã kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Các xu hướng này đi ngược lại với chủ trương của chính phủ Ukraine. Theo hãng tin RT, kể từ mùa xuân năm 2022, Kiev đã từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow. Tại thời điểm đó, các nỗ lực ngoại giao ban đầu nhằm giải quyết xung đột giữa hai nước đều gặp thất bại và Ukraine đã rút khỏi các cuộc đàm phán sau nhiều vòng thảo luận diễn ra ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố việc khôi phục đàm phán hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của nước này. Kiev cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ và sẽ giành lại tất cả các khu vực bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Mùa thu năm 2022, 4 khu vực của Ukraine, bao gồm cả hai nước cộng hòa Donbass, chính thức gia nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Kiev mô tả cuộc bỏ phiếu là “giả tạo" và khẳng định tất cả 4 vùng lãnh thổ vẫn là một phần của Ukraine cùng với bán đảo Crimea – nơi đã tổ chức trưng cầu dân ý và gia nhập Liên bang Nga năm 2014.

Tới cuối tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức loại trừ khả năng tiến hành đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó, ông Zelensky nhấn mạnh vào một chiến thắng quân sự trước Moscow, đồng thời khẳng định Ukraine sẽ chỉ tiến hành đàm phán với “nhà lãnh đạo tương lai của Nga” không phải ông Putin.

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, ông Zelensky tiếp tục loại trừ khả năng có một thỏa thuận “Minsk-3” mới. Các thỏa thuận Minsk trước đó được thiết kế nhằm giải quyết xung đột giữa Kiev và hai nước cộng hòa Donbass nhưng không thành công.

Trên thực tế, thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu vào năm 2014 với Đức và Pháp làm trung gian. Tuy nhiên tới 24/2/2022, Nga đưa quân vào Ukraine dưới hình thức “chiến dịch quân sự đặc biệt” với các cáo buộc Kiev không thực hiện các thỏa thuận vốn được thiết kế để trao cho Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt trong lãnh thổ Ukraine.

Hồi cuối tháng 6/2022, RT cho biết trong các bài phỏng vấn với nhiều hãng tin bao gồm kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức và kênh Radio Free Europe, Cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko từng thừa nhận rằng mục tiêu chính của Kiev là sử dụng thỏa thuận Minsk để câu giờ và “tạo ra các lực lượng vũ trang hùng mạnh”.

Ngược lại, Điện Kremlin vẫn luôn khẳng định sẵn sàng liên lạc với Ukraine nếu các nhà lãnh đạo nước này chấp nhận các điều kiện được Moscow đưa ra cũng như thừa nhận “thực tế trên chiến trường”. Cụ thể, Nga kiên định với điều kiện không đàm phán về các lãnh thổ đã được nước này sáp nhập cùng các điều kiện khác bao gồm việc Ukraine phi quân sự hóa, cam kết trở thành một nước trung lập và không được phép gia nhập NATO.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.