Xuất khẩu cá ngừ sang EU khởi sắc trong hai tháng đầu năm

XUẤT KHẨU Việt nAM
17:00 - 14/03/2022
Xuất khẩu cá ngừ sang EU khởi sắc - Ảnh: minh họa
Xuất khẩu cá ngừ sang EU khởi sắc - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 15 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Đầu năm 2022, các thị trường lẻ trong khối EU dần phục hồi nhập khẩu cá ngừ. Xuất khẩu tháng 1/2022 cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 15 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhiều thị trường trong khối đang có mức tăng trưởng “phi mã” ở mức 3 - 4 con số so với cùng kỳ như Lithuania tăng 1.938%; Hà Lan tăng 243%...

Trước đó, năm 2021, xuất khẩu cá ngừ tổng cả năm dù tăng nhưng giai đoạn cuối năm lại ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), nguyên nhân giảm do gặp bất lợi về chi phí vận chuyển đường biển nên nhập khẩu cá ngừ của EU giảm, các nước châu Á xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này như Trung Quốc, Thái Lan… cũng gặp tình trạng tương tự.

Năm 2021, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường EU (sau Ecuador, Phillipinne, Trung Quốc, Papua New Guinea, Mauritius và Seychelles).

Theo VASEP, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang EU dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay. Do nền kinh tế các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tăng trưởng mạnh trở lại và đạt quy mô như thời điểm trước đại dịch.

Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các nước EU hồi phục. Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được khởi động lại trong những tháng đầu năm 2022 được cho là động lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới.

Dù lạc quan tăng trưởng nhờ FTA, tuy nhiên trước tác động từ chiến sự giữa Nga và Ukraine, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sẽ phải đối mặt với khó khăn, trong đó chủ yếu là nâng giá xuất khẩu lên.

Ảnh hưởng của cuộc chiến khiến giá dầu thế giới đạt đỉnh liên tiếp, điều này khiến chi phí vận chuyển tăng, vốn đã ở mức cao do đại dịch.

Mặt khác, theo VASEP Nga và Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong tháng 1/2022, các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Điều này đã thúc đẩy chi phí sản xuất ngày càng tăng. Đồng thời, giá cá ngừ nguyên liệu cũng tăng cao do chi phí đánh bắt tăng.

Ngày 28/2/2022, ngân hàng Goldman Sachs cho biết nếu tình trạng xung đột tiếp tục gia tăng ở khu vực Châu Âu, thì một sản lượng dầu tiềm năng sẽ bị gián đoạn. Ngân hàng này cũng dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng lên 115 USD/thùng trong tháng tới.

Tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, trừ Trung Quốc. Trong tháng 1/2022, xuất khẩu sang 8 thị trường chính gồm Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Arap Xeut, Israel, Ai Cập và Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 44 triệu USD, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu sang một số thị trường lẻ tăng trưởng trở lại sau sự sụt giảm trong quý IV/2021. Cụ thể, tăng trưởng tại thị trường Canada đạt 26%, Peru 2.289%; Chile đạt 219%... Riêng thị trường Nhật Bản lại ghi nhận giảm 17% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp