ADB cập nhật dự báo tăng trưởng các khu vực của châu Á

KINH TẾ CHÂU Á
13:14 - 13/12/2023
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của phần lớn khu vực châu Á đang phát triển trong báo cáo công bố ngày 13/12/2023. Ảnh: Bộ Công thương
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của phần lớn khu vực châu Á đang phát triển trong báo cáo công bố ngày 13/12/2023. Ảnh: Bộ Công thương
0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định phần lớn các quốc gia châu Á đang phát triển có thể sẽ kết thúc năm 2023 với kết quả tươi sáng hơn so với dự đoán trước đó.

Theo hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực châu Á đang phát triển lên 4,9% từ mức 4,7% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 9 trước đó. Triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong năm 2024 vẫn được giữ nguyên ở mức 4,8%.

Tỷ lệ lạm phát của khu vực này cũng được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,5% trong năm nay và tăng nhẹ lên 3,6% trong năm 2024. Trước đó hồi giữa tháng 11, giá gạo trong khu vực đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 khi kỳ vọng của thị trường điều chỉnh theo những hạn chế của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo. Điều này đã tạo ra áp lực tăng giá lương thực, đặc biệt đối với các nền kinh tế nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, giá nhiên liệu và lúa mì toàn cầu giảm đã giúp bù đắp tác động lên lạm phát chung.

Về từng vùng cụ thể, triển vọng tăng trưởng kinh tế được ADB đưa ra là không đồng đều. Khu vực Đông Á được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở mức 4,7% trong năm nay so với dự báo 4,4% vào tháng 9. Dự báo lạm phát ở Đông Á được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 0,9% từ mức 1,0% cho năm 2023, chủ yếu là do điều chỉnh giảm dự báo lạm phát của Trung Quốc.

Về từng thị trường cụ thể, sản xuất công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn dự kiến bù đắp cho mức điều chỉnh giảm tại Hong Kong, Trung Quốc do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu lớn. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm nay và tiếp theo không thay đổi so với dự đoán của tháng 9.

Khu vực Nam Á cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh hơn ở mức 5,7% trong năm nay so với mức 5,4% trước đó, trong đó nền kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn là 6,7% trong năm nay. Dự báo lạm phát cho Nam Á không thay đổi ở mức 8,6% cho năm 2023 nhưng được điều chỉnh lên 6,7% cho năm 2024, phản ánh dự báo lạm phát cao hơn tại Bangladesh và Nepal.

Bất chấp nhiều nỗ lực nhằm giảm lạm phát, tỷ lệ lạm phát hàng tháng ở Bangladesh vẫn ở mức gần hai con số trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 do lạm phát lương thực gia tăng. Lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt trong những tháng tới do chính sách tiền tệ thắt chặt, các biện pháp được thực hiện để đảm bảo tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường, giá hàng hóa toàn cầu thấp hơn và triển vọng mùa màng tốt hơn. Dự báo lạm phát cho Nepal vào năm 2024 được điều chỉnh tăng do áp lực giá cả tiếp tục và giả định giá dầu quốc tế cao hơn vào năm 2024.

Dự báo tăng trưởng cho vùng Caucasus và Trung Á được điều chỉnh tăng lên 4,8% cho năm 2023 so với dự báo 4,6% của tháng 9 và giảm xuống 4,6% từ mức 4,7% cho năm 2024. Việc điều chỉnh tăng phản ánh triển vọng được cải thiện của Kazakhstan - nền kinh tế lớn nhất khu vực này và Tajikistan vào năm 2023. Dự báo lạm phát cho khu vực này được điều chỉnh lên 10,9% vào năm 2023 so với dự báo 10,6% của tháng 9 và lên 8,4% từ 8,0% cho năm 2024.

Đông Nam Á là khu vực duy nhất nhận được dự báo tăng trưởng giảm xuống mức 4,3%, so với ngưỡng trước đó là 4,6%. Báo cáo nhận định: "Các sửa đổi này phản ánh sự mờ nhạt của lĩnh vực sản xuất tại các nền kinh tế mở và có định hướng thương mại như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam".

Tới năm 2024, đầu tư công cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế Đông Nam Á trong khi chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ gia tăng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn/nhà hàng và các hoạt động du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế trên khắp khu vực phục hồi mạnh mẽ. Sự phục hồi trong xuất khẩu điện tử và lĩnh vực công nghệ, cùng với sự cải thiện ở các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024, cũng sẽ góp phần cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á.

Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển của ADB năm 2023 và 2023. Nguồn: ADB

Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển của ADB năm 2023 và 2023. Nguồn: ADB

Dù nhận được các dự báo tích cực, nền kinh tế khu vực châu Á đang phát triển vẫn cần cảnh giác trước các rủi ro tiềm tàng như môi trường kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn trong lạm phát cơ bản tăng cao liên tục ở Mỹ và khu vực đồng euro. Nhằm kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cam kết giữ mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, khiến rủi ro trả nợ và bất ổn ngân hàng sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Triển vọng của khu vực cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số thách thức hiện tại và đang nổi lên, trong đó bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine, các hiện tượng thời tiết như El Nino hay các hạn chế về xuất khẩu lương thực của một số nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến lạm phát giá gạo và các loại lương thực khác và gây ra những hậu quả kinh tế vĩ mô rộng hơn. Ngoài ra, sự yếu kém của thị trường bất động sản ở Trung Quốc cũng có thể tiếp tục kéo dài trong năm tới và hơn thế nữa.

Tuy nhiên, ADB nhận định nguy cơ xung đột hiện nay ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Á đang phát triển là rất thấp “do các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng không phải là đối tác thương mại hoặc nhà sản xuất dầu lớn và các tuyến thương mại không bị gián đoạn đáng kể”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.