Anh: Hai ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng có cuộc gặp 'bí mật'

Chính trị ảnh
09:00 - 23/10/2022
Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đã tập hợp đủ 100 nghị sĩ ủng hộ tranh cử. Ảnh: Sky News
Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đã tập hợp đủ 100 nghị sĩ ủng hộ tranh cử. Ảnh: Sky News
0:00 / 0:00
0:00
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, hai chính trị gia đảng Bảo thủ có tiềm năng nhất trong cuộc đua giành chức thủ tướng kế nhiệm bà Liz Truss, được cho có buổi gặp mặt kín.

Theo ông Tim Shipman - nhà bình luận chính trị của tờ Sunday Times, cuộc gặp mặt giữa ông Boris Johnson và ông Rishi Sunak trước đó dự kiến diễn ra vào đầu ngày 22/10, nhưng đã bị hoãn lại và có khả năng sẽ tiếp tục tiến hành trong buổi tối cùng ngày.

Dù chưa chính thức thông báo ý định ra tranh cử, cả hai ông Johnson và Sunak đều được được cho là đã tập hợp đủ sự ủng hộ từ hơn 100 nghị sĩ của đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh. Đây là điều kiện để được tham gia cuộc đua chức Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng.

Ông Johnson và ông Sunak chuẩn bị chơi bi lắc trong cuộc gặp hồi đại dịch Covid-19. Ảnh: Sky News
Ông Johnson và ông Sunak chuẩn bị chơi bi lắc trong cuộc gặp hồi đại dịch Covid-19. Ảnh: Sky News

Trước đó trong ngày 22/10, Sky News đưa tin ông Rishi Sunak đã trở thành ứng viên đầu tiên nhận được sự ủng hộ của 108 nghị sĩ, đủ để đáp ứng ngưỡng đề cử trong cuộc đua lãnh đạo. Tin tức trên được đưa ra trước khi nhà báo Shipman dẫn nguồn thân cận với ông Johnson xác nhận số nghị sĩ ủng hộ cựu Thủ tướng Anh đã lên tới 100 nghị sĩ.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ James Duddridge, người được coi là đồng minh thân thiết của ông Johnson, thông báo trên Twitter rằng cựu Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ và "sẵn sàng" quay trở lại chính trường Anh.

Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 20/10 đã tuyên bố từ chức sau khi thất bại việc đối phó với các thách thức của đất nước. Việc từ chức chóng vánh chỉ sau 45 ngày cũng khiến bà Truss trở thành người giữ chức thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, bà Truss đã được dự báo sẽ phải đối mặt với đã nền kinh tế bất ổn do chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và có nguy cơ rơi vào suy thoái, cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ, người dân và doanh nghiệp phải vật lộn với lạm phát, nợ chính phủ gia tăng,...

Sau tuyên bố của bà Truss, đảng Bảo thủ Anh sẽ tiến hành cuộc bầu chọn lãnh đạo mới và người này đồng nghĩa cũng trở thành tân thủ tướng Anh. Theo Ủy ban 1992 - cơ quan giám sát bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, quá trình đề cử ứng viên bắt đầu từ ngày 20/10, trong đó mỗi ứng viên cần nhận được sự hậu thuẫn của ít nhất 100 nghị sĩ Bảo thủ. Đảng này có 357 nghị sĩ, do vậy chỉ có tối đa 3 ứng viên sẽ lọt vào vòng bỏ phiếu.

Ngày 24/10, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để lựa chọn ra 2 ứng viên có kết quả cao nhất. Ngày 28/10, đảng Bảo thủ sẽ tiến hành bỏ phiếu để chọn ra người chiến thắng, kết quả chung cuộc sẽ được công bố cùng ngày.

Hiện tại, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt là người duy nhất công khai sẽ tranh cử chức thủ tướng Anh. Ông Sunak và bà Mordaunt trước đó đã từng chạy đua tranh cử đến những vòng cuối cùng hồi tháng 8 và thất bại trước bà Truss.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt là người công khai tranh cử. Ảnh: Reuters

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt là người công khai tranh cử. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, chia sẻ với tờ Telegraph, bà Mordaunt nhận định "nước Anh cần một đảng Bảo thủ mạnh mẽ" và tuyên bố mọi ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo đảng cần đoàn kết nội bộ và thực hiện được nhiều nhiệm vụ. "Chúng ta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử không phải bằng cách nói rằng chúng ta hiểu các vấn đề của người dân, mà phải là khi người dân cảm thấy được thấu hiểu", bà nói.

Các chuyên gia nhận định, Thủ tướng tiếp theo của nước Anh sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi bà Truss rời đi, từ việc vực dậy nền kinh tế và tài chính hỗn loạn, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng, cũng như hàn gắn nội bộ đảng Bảo thủ trước sự chia rẽ và lấy lại niềm tin, sự tín nhiệm của dân chúng.

Tin liên quan

Đọc tiếp