Ba Lan chưa phát hiện độc tố khiến cá chết hàng loạt trên sông Oder

môi trường CHÂU ÂU
17:12 - 15/08/2022
Hàng tấn cá chết trôi dạt vào bờ sông Oder dọc thuộc lãnh thổ cả 2 nước Ba Lan và Đức. Ảnh: Reuters
Hàng tấn cá chết trôi dạt vào bờ sông Oder dọc thuộc lãnh thổ cả 2 nước Ba Lan và Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Khi bình luận về vụ việc cá chết hàng loạt tại sông Oder hôm 14/8, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa nhận định không thể loại trừ chất độc là nguyên nhân, tuy nhiên các xét nghiệm cho tới hiện tại đều chưa chứng minh được điều này.

Bắt đầu từ cuối tháng 7, người dân và các nhà chức trách đã tìm thấy hàng tấn cá chết trôi dạt vào bờ sông Oder – con sông chảy qua lãnh thổ của cả Đức và Ba Lan. Theo Reuters trích dẫn kết quả ban đầu, cả 2 quốc gia đều tin rằng chất độc là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá chết, tuy nhiên chưa xác định được cụ thể loại hóa chất.

Sau cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Đức cùng các quan chức liên quan của 2 bên, bà Anna Moskwa cho biết chưa có cuộc kiểm tra nào xác nhận được sự hiện diện của các chất độc hại. Đồng thời sau khi tiến hành các xét nghiệm trên cá, các nhà chức trách đã hoàn toàn loại trừ khả năng nước nhiễm thủy ngân và kim loại nặng do hai chất này đều không được phát hiện trong mẫu vật thu thập được.

Theo bà Moskwa, các mẫu đang được kiểm tra phản ứng với thuốc trừ sâu cùng khoảng 300 chất khác trong những giờ tới. Tuy vẫn chưa kiểm tra ra được loại chất độc nào, bà khẳng định các nhà chức trách không loại trừ biến thể của một chất độc nào đó và do đó đang quan tâm tới việc xác định thủ phạm cũng như kiểm tra thực thể kinh doanh và hoạt động công nghiệp dọc theo sông Oder.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan còn cho biết phần thưởng trị giá 220.000 USD sẽ được trả cho bất kỳ ai giúp truy tìm những kẻ gây ô nhiễm dòng sông.

Nhiều tình nguyện viên đã xuất hiện để giúp vớt cá chết khỏi sông Oder. Ảnh: Reuters

Nhiều tình nguyện viên đã xuất hiện để giúp vớt cá chết khỏi sông Oder. Ảnh: Reuters

Trước đó hôm 12/8, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết “một lượng lớn chất thải hóa học” có thể đã được cố ý đổ xuống con sông dài thứ hai của đất nước. Hành động này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và khiến hệ sinh thái phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục lại được.

Mặt khác, ông Morawiecki cũng thừa nhận rằng một số quan chức Ba Lan đã "chậm chạp" trong phản ứng lại với thảm họa môi trường này và 2 trong số họ đã bị sa thải. Đồng thời, ông khẳng định điều quan trọng nhất lúc này của các bên là tập trung đối phó với thảm họa sinh thái này càng sớm càng tốt do "thiên nhiên là di sản chung của chúng ta".

Trong khi đó, hãng tin Aljazeera cho biết các nhà chức trách ở bang Mecklenburg-Western Pomerania, miền đông bắc nước Đức, đưa ra cảnh báo người dân không nên đánh cá hoặc sử dụng nước từ đầm phá Szczecin. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm của sông Oder dự kiến sẽ sớm đến khu vực cửa sông này.

Theo ông Alex Vogel, Bộ trưởng Môi trường của bang Brandenburg của Đức, đây là một đòn giáng mạnh vào Oder. Ý kiến của ông cũng được Thị trưởng Annekathrin Hoppe của thành phố Schwedt thuộc Đức nằm cạnh Vườn quốc gia Thung lũng Oder đồng tình. Theo bà, sự ô nhiễm của dòng sông là "một thảm họa môi trường ở quy mô chưa từng có" đối với khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp