Bất động sản nghỉ dưỡng, kênh đầu tư triển vọng trong tương lai

bđs DU LỊCH
17:27 - 23/03/2022
Chính sách mở cửa trở lại du lịch đã kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Chính sách mở cửa trở lại du lịch đã kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
0:00 / 0:00
0:00
Việc mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3 là tin vui cho toàn ngành kinh tế đồng thời cũng là tín hiệu tốt cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sau hai năm đóng băng do đại dịch Covid-19.

Chia sẻ tại tọa đàm: "Giải mã những cơn sốt đất và cơ hội cho năm 2022" ngày 22/3, các chuyên gia nhận định bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, chính sách mở cửa du lịch từ 15/03 đã đưa lại một tín hiệu hồi sinh cho ngành du lịch sau 2 năm tê liệt vì đại dịch Covid-19. Con số gần 6,2 triệu lượt khách dịp Tết Nguyên đán, xu thế mở cửa du lịch và các hoạt động phục hồi tăng trưởng kinh tế, tất cả đang tạo ra một niềm tin trên thị trường địa ốc, đặc biệt là đối với giới kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân nhận định: Ngành du lịch của chúng ta chắc chắn sẽ rất phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên tiềm năng để khai thác bất động sản nghỉ dưỡng của chúng ta còn chưa tương xứng.

"Phần lớn, du khách đi du lịch nghỉ dưỡng hiện nay chỉ mới "nghỉ" thôi chưa có "dưỡng", hệ thống dịch vụ của chúng ta vẫn luôn bị than phiền," ông Chánh nói.

Ngay sau khi các biện pháp giãn cách chống dịch bị huỷ bỏ, lượng khách du lịch trong nước đã ghi nhận những tăng trưởng nhất định trong các dịp lễ tết, nhưng theo ông Chánh, cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển đầy đủ.

"Ngành du lịch nghỉ dưỡng được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ, đem về ngoại tệ ngay trên đất nước chúng ta. Tôi cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Chính phủ và Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển ngành này. Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng để có thể đón một lượng khách du lịch lớn hơn trong những năm sắp tới", ông Chánh nói.

Nói về triển vọng chiến lược đầu tư cá nhân, ông Chánh khuyến cáo nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nên dành 20-25% sự quan tâm cho thị trường này đồng thời nên coi đó là khoản đầu tư trung và dài hạn, không phù hợp để lướt sóng. Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét kỹ những rủi ro.

Ảnh tác giả

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nên có trong danh mục của các nhà đầu tư cá nhân nhưng phải có tầm nhìn trung và dài hạn về loại hình này, cũng như phù hợp với tình hình phân bổ tài chính cá nhân. Bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ là khoản đầu tư sinh lời đạt kỳ vọng.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân

"Đối với bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, ngoài những bất động sản hàng hiệu hướng tới người giàu với những sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, condotel dao động trong từ 15-30 tỷ/căn, khách hàng cũng đang tìm kiếm những phân khúc rẻ hơn như biệt thự ven biển hay xu hướng ngôi nhà thứ hai xa trung tâm với tầm giá dao động 5-10 tỷ, hoàn toàn phù hợp với túi tiền của những nhà đầu tư riêng lẻ", ông Chánh nói.

Trường hợp khác, các nhà đầu tư riêng lẻ có thể đồng hành với những chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp phát triển những cụm bất động sản nghỉ dưỡng bài bản đi kèm với dịch vụ chuyên nghiệp để hạn chế rủi ro.

Tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi

Theo đánh giá của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE, trong đầu năm nay, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là khi Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Bất động sản nghỉ dưỡng gắn với du lịch và du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ trong tương lai.

Ảnh tác giả

Du lịch Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong tương lai nên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, CBRE

Ông Kiệt phân tích: Trong hai năm trở lại đây, các vấn đề liên quan đến pháp lý của condotel, việc đóng cửa du lịch đã làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư đối với loại hình bất động sản này.

Họ không đặt câu hỏi dự án này chủ đầu tư cam kết lợi nhuận bao nhiêu nữa. Thay vào đó, họ yêu cầu thông tin về vị trí của dự án và tiềm năng phát triển du lịch ở khu vực đó.

"Hiện nay, việc hợp tác với chủ đầu tư chuyên nghiệp luôn là bước đi an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, năng lực và sự cam kết của chủ đầu tư là yếu tố cần có để các nhà đầu tư đầu tư vào loại hình này", ông Kiệt nói.

Một yếu tố quan trọng nữa, nếu không nói là quan trọng nhất để quyết định giá trị của một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đó là chất lượng vận hành của sản phẩm. Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng bắt buộc phải đi kèm dịch vụ tốt mới thu hút được khách du lịch, từ đó mới có thể đảm bảo cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư, tạo khả năng thanh khoản tốt cho sản phẩm trong tương lai.

Các chuyên gia tham dự cuộc toạ đàm cùng chia sẻ nhận định rằng giới đầu tư địa ốc hiện nay đang quan tâm đến bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn so với thời gian trước. Ngoài việc dùng để đầu tư khai thác, bất động sản nghỉ dưỡng còn là ngôi nhà thứ hai cho chính nhà đầu tư sử dụng.

Những dự án mới trên thị trường

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán, liên tiếp nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được công bố chủ trương đầu tư hoặc được giới thiệu và mở bán chính thức trên thị trường.

Ví dụ như Dự án THM-Villa-Resort on the Mountain tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình với quy hoạch gồm quần thể 2 khách sạn 5 sao và hơn 2.000 villa cùng nhiều tiện ích du lịch do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.

Cũng tại Hoà Bình, còn có dự án Takara Hòa Bình Resort tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc có quy mô khoảng 60 ha với 661 căn biệt thự do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương làm chủ đầu tư.

Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Flamingo cũng công bố sẽ xây dựng tòa tháp Ibiza Party Resort tại Hải Tiến. Dự án có hướng tới các hoạt động kinh tế đêm với các quán bar, phố ẩm thực, nhà hàng trên không và gần 600 phòng khách sạn. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động trong quý 4/2023.

Tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Tập đoàn T&T Group đã chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.

Có tổng diện tích gần 500 ha, trong đó sân golf 36 lỗ chiếm khoảng 161 ha, dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông được quy hoạch với 5 phân khu chức năng: Khu sân golf Tam Nông 1 đặt tại xã Lam Sơn với diện tích gần 93 ha; khu sân golf Tam Nông 2 đặt tại xã Lam Sơn và xã Quang Húc, với diện tích gần 75 ha; khu đô thị Quang Húc đặt tại xã Quang Húc với diện tích trên 37 ha; Khu đô thị Tam Nông đặt tại xã Thọ Văn với diện tích trên 21 ha. Và Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng Tam Nông với diện tích 272 ha đặt tại xã Lam Sơn, xã Quang Húc, xã Thọ Văn.

Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông, Phú Thọ.

Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông, Phú Thọ.

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng đầu tư của năm 2022. Du lịch khởi sắc đang tạo thêm đà tăng trưởng cho thị trường địa ốc. Những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp được tin rằng sẽ trở thành thỏi nam châm hút khách.

Các dự án nghỉ dưỡng thường là đất thương mại, dịch vụ chỉ có thời hạn sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, thời gian từ lúc triển khai, quy hoạch và giao đất nhiều khi mất đến hàng chục năm, tương đương với khoảng 20% thời gian của dự án.

Các chuyên gia tại toạ đàm cho rằng, đến lúc có thể bán sản phẩm thì chỉ còn khoảng 30 năm, khó thu hút được khách hàng, các chủ đầu tư vào kinh doanh. Do đó, cũng cần phải đẩy nhanh vấn đề thủ tục, pháp lý để tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.