Belarus nêu 'lằn ranh đỏ' trong kịch bản tham chiến tại Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
08:08 - 15/06/2023
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 14/6 tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia cuộc xung đột ở Ukraine nếu trở thành mục tiêu bị tấn công hay bất kỳ sự can thiệp nghiêm trọng nào.

Phát biểu với kênh truyền hình Russia 1, Tổng thống Belarus Lukashenko giải thích rằng đất nước ông rất yên bình và đã trải qua đủ cuộc chiến tranh trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, ông cảnh báo Minsk sẽ không ngần ngại đáp trả và "tham gia mạnh mẽ (vào cuộc xung đột tại Ukraine) nếu có hành vi gây hấn chống lại chúng tôi".

"Chúng tôi có đủ sức mạnh để đáp trả điều đó", ông Lukashenko tuyên bố.

Nhà lãnh đạo này đồng thời cho biết ông sẽ không để 10 triệu công dân Belarus và 3 triệu công dân Nga đang sinh sống ở trên lãnh thổ nước này bị tấn công. "Đó là 13 triệu người. Tôi phải chịu trách nhiệm cho họ", ông lưu ý.

Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh rằng "lằn ranh đỏ" của ông là một "cuộc xâm lược toàn diện" từ bên ngoài gồm các đơn vị quân đội, vượt qua biên giới nhằm vào Belarus. Ông cũng cho rằng một cuộc tấn công như vậy có khả năng đến từ Ba Lan, Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia nào thuộc vùng Baltic.

Trước đó, Minsk đã cáo buộc các thành viên NATO có biên giới chung với Belarus đang duy trì một lượng quân quá lớn ở nhiều vị trí, cho rằng động thái này là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Bình luận về các cuộc tấn công do những kẻ phá hoại nhằm vào sân bay Machulishchy của Belarus hay vùng Belgorod ở vùng biên giới Nga, ông Lukashenko gọi đây là "những hành động khiêu khích" cần được xử lý.

Mặt khác, Tổng thống Belarus cũng khẳng định rằng ông chưa bao giờ được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong những cuộc phỏng vấn khác, ông Lukashenko cũng giải thích rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus được thực hiện theo “yêu cầu thân thiện” của Minsk và không bị Moscow áp đặt theo bất kỳ cách nào. Ông nhấn mạnh động thái này là một biện pháp ngăn chặn các nguy cơ và cảnh báo rằng Belarus sẽ không ngần ngại sử dụng chúng nếu bị tấn công.

Trước đó, Tổng thống Nga ngày 25/3 thông báo, Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus sớm nhất là vào đầu tháng 7 năm nay, đồng thời chuyển giao cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.

Hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin đã ký thỏa thuận về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Belarus.

Giải thích nguyên nhân cho việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, Belarus cho biết Mỹ cũng triển khai các vũ khí tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, khiến nước này phải chịu nhiều áp lực.

Ngày 13/6, hãng Belta trích dẫn một tuyên bố của Tổng thống Belarus cho biết, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai thực tế trên lãnh thổ nước này "trong vài ngày tới", với một số vũ khí có sức mạnh gấp 3 lần so với những quả bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Tuy nhiên, động thái của Nga và Belarus nhận phải nhiều chỉ trích từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích quyết định của Tổng thống Putin và cũng cảnh báo về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là "khiêu khích". Washington cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, đồng thời “không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh lập trường hạt nhân của mình”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.