Brazil tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế với người bản địa

Y Tế Brazil
09:29 - 22/01/2023
Người Yanomami đang gặp một cuộc khủng hoảng nhân đạo và vệ sinh nghiêm trọng do các hành động khai thác mỏ trái phép. Ảnh: AP
Người Yanomami đang gặp một cuộc khủng hoảng nhân đạo và vệ sinh nghiêm trọng do các hành động khai thác mỏ trái phép. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 21/1, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đến thăm bang Roraima phía bắc Brazil sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với người bản địa Yanomami ở rừng Amazon.

Sống ở khu vực bản địa lớn nhất tại Brazil với hơn 9 triệu ha và dân số khoảng 30.000 người, người Yanomami trải dài ở khu vực phía bắc rừng nhiệt đới Amazon, gần biên giới với Venezuela.

Chính phủ buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế do những người Yanomami sống tại rừng Amazon đang bị suy dinh dưỡng, đồng thời mắc những bệnh nghiêm trọng như bệnh sốt rét.

Trên thực tế trong những năm gần đây, tình hình tại khu vực này đã nhiều lần khiến các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo khủng hoảng nhân đạo và vệ sinh. Theo AP trích dẫn báo cáo “Yanomami đang bị tấn công,” được viết bởi Viện Môi trường Xã hội phi lợi nhuận, trong năm 2021, khu vực sống của người Yanomami chiếm 50% tổng số ca mắc sốt rét trong cả nước. Hơn nữa, có tới hơn 30.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng tại đây.

Nguồn gốc cho tất cả những điều này tới từ việc hành vi khai thác mỏ trái phép. Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc những người khai thác mỏ đe dọa giết người, bạo lực tình dục, lạm dụng rượu và ma túy, đặc biệt là đối với trẻ em bản địa.

Các báo cáo tương tự cũng cho thấy khu vực này có hơn 40 đường băng máy bay bất hợp pháp do những người khai thác mỏ tạo ra. Những kẻ khai thác trái phép này cũng đã tiếp quản một số trung tâm y tế của chính phủ được lắp đặt trong khu vực.

Theo ông Estêvão Benfica, nhà địa lý học và là một trong những nhà nghiên cứu của Viện Môi trường Xã hội, các hoạt động khai thác mỏ đã làm thay đổi đất, tạo ra những vũng nước thuận lợi cho muỗi sinh sôi, từ đó gây ra dịch sốt rét cùng nhiều bệnh khác.

Trong khi đó, nhiều thợ mỏ bản thân cũng mang theo bệnh. Trong khi đó, ông Benfica cũng cho biết thiếu nhân sự và nguồn lực cơ bản để xác định bệnh sốt rét ở giai đoạn đầu là một nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tỷ lệ bệnh tật cao khiến người Yanomami không thể làm việc trên đất của chính mình, tạo ra một cộng đồng lớn không thể tự duy trì nền kinh tế của mình.

Thêm vào đó, AP cho biết một yếu tố cũng đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng hiện tại chính là cách tiếp cận trong những năm cầm quyền của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Trong khoảng thời gian ông Bolsonaro ở giữ chức vụ Tổng thống, số lượng nhân viên y tế giảm và 4 đơn vị y tế phải đóng cửa, khiến hàng trăm người Yanomami không được tư vấn y tế.

Tất cả những yếu tố này kết hợp cùng nhau đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và vệ sinh nghiêm trọng, gây tác động nặng nề tới người Yanomami bản địa sinh sống trong khu vực. Đã có nhiều báo cáo ghi nhận 570 trẻ em Yanomami tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2019 cho tới 2022 do các bệnh có thể chữa trị.

Để giải quyết tình hình hiện tại, Bộ Y tế Brazil đầu tuần này đã chỉ định một nhóm thực hiện nhiệm vụ y tế đặc biệt ở bang Roraima. Sắc lệnh do Bộ trưởng Y tế Nisia Trindade ký vào cuối ngày 20/1 cũng cho phép các đơn vị y tế được cử tới khu vực sinh sống của người Yanomami thuê nhân sự bổ sung. Thêm vào đó, các nhóm phụ trách đồng thời phải báo cáo tình hình sức khỏe và phúc lợi chung của những người bản địa.

Trong khuôn khổ chuyến đi thăm thủ phủ bang Roraima là Boa Vista, ông Lula cũng khẳng định chính phủ sẽ cải thiện giao thông vận tải và thuê thêm bác sĩ và y tá làm việc trong khu vực. Ngoài ra, chính phủ đồng thời cho biết sẽ thành lập một ủy ban đa bộ do chánh văn phòng của Tổng thống điều phối trong thời gian đầu là 90 ngày.

Đọc tiếp