Bùng dịch Ebola tại Uganda khiến 4 người tử vong

Ebola Uganda
13:20 - 24/09/2022
Uganda tuyên bố bùng dịch Ebola gây ra bởi biến chủng Sudan với tổng số ca nhiễm ghi nhận được là 11 cùng 4 ca tử vong. Ảnh: WHO
Uganda tuyên bố bùng dịch Ebola gây ra bởi biến chủng Sudan với tổng số ca nhiễm ghi nhận được là 11 cùng 4 ca tử vong. Ảnh: WHO
0:00 / 0:00
0:00
Sau tuyên bố bùng dịch Ebola hồi đầu tuần này, Bộ Y tế Uganda cho biết đã ghi nhận tổng cộng 4 ca tử vong tính đến 23/9 trong bối cảnh thế giới vẫn chưa phê duyệt vaccine để đối phó với các biến chủng của virus nguy hiểm này.

Trước đó vào ngày 21/9, các quan chức y tế Uganda tuyên bố một đợt bùng dịch Ebola đang xảy ra trong đất nước với tổng số ca nhiễm ghi nhận được là 7 ca. Ca nhiễm đầu tiên tử vong là một người đàn ông 24 tuổi ở trung tâm của Uganda.

Bà Diana Atwine, thư ký thường trực của Bộ Y tế Uganda cho biết trong một cuộc họp báo rằng, bệnh nhân tử vong được xác nhận có các triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, đau bụng và nôn ra máu và nhận được chẩn đoán ban đầu là mắc bệnh sốt rét.

Sau đó tới 23/9, số trường hợp nhiễm đã tăng lên 11 người trong khi con số tử vong tăng lên 4 người. Chủng Ebola gây ra đợt bùng dịch mới nhất này sau đó cũng đã được xác định là chủng Sudan.

Reuters trích dẫn WHO cho biết chủng Ebola Sudan hiện đang gây ra đợt bùng dịch ở Uganda ít lây truyền hơn. Trên hết, dữ liệu thực tế cũng đã cho thấy tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát bởi biến chủng này thấp hơn so với chủng Ebola Zaire - chủng đã giết chết gần 2.300 người trong đợt dịch 2018-2020 ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo láng giềng.

HIện nay chủng Ebola Sudan đã gây ra tổng cộng 7 đợt bùng dịch, trong đó có 4 đợt xảy ra tại Uganda và 3 đợt ở Sudan. Lần cuối cùng quốc gia này xác nhận một đợt bùng dịch Ebola gây ra bởi biến chủng Sudan là vào năm 2012. Sau đó tới năm 2019, Uganda tiếp tục ghi nhận một đợt bùng dịch gây ra bởi biến chủng Zaire.

Theo các điều tra ban đầu, các nhà chức trách cho biết đợt bùng dịch chủng Ebola Sudan hiện tại có khả năng cao đã bắt đầu tại một ngôi làng nhỏ ở Mubende vào khoảng đầu tháng 9. Ngoài các ca nhiễm bệnh và ca tử vong đã được xác nhận chính thức, 7 trường hợp tử vong khác đang được các quan chức quốc gia này điều tra do nó có liên quan tới việc bùng dịch tại Mubende, cách thủ đô Kampala khoảng 130 km về phía tây.

Văn phòng Châu Phi của WHO cũng cho biết thêm hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đều đang được chăm sóc tại một cơ sở y tế được chỉ định. Nhằm giúp đỡ chính phủ Uganda, WHO cũng đã hỗ trợ các cơ quan y tế của Uganda điều tra và triển khai nhân viên y tế đến khu vực bị ảnh hưởng.

Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO, cho biết: "Uganda không còn xa lạ với việc kiểm soát Ebola hiệu quả”. Để có thể thực hiện được điều này, chính phủ Uganda, WHO cùng người dân đều cần chung tay phòng chống dịch bệnh và nâng cao ý thức của bản thân.

Mặt khác, trong bất kỳ một đợt bùng phát dịch bệnh gây ra bởi virus nào, vaccine đều đóng vai trò trọng tâm giúp kiểm soát sự lây lan của dịch. Tuy nhiên với virus Ebola, tình hình lại có một chút khác biệt. Nguyên nhân là do đến nay, loại vaccine duy nhất được chấp thuận là Erbevo chỉ có tác dụng bảo vệ người bệnh chống lại chủng Ebola Zaire.

Đối với chủng Sudan, WHO cho biết một loại vaccine khác do Johnson & Johnson sản xuất có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được thử nghiệm cụ thể và đo lường tác dụng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Đọc tiếp