Cà Mau đặt mục tiêu tăng ít nhất 5 bậc chỉ số PAPI 2023

PAPI Cà Mau
20:20 - 23/06/2023
Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau
Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau
0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 với mục tiêu tăng ít nhất 5 bậc so với năm ngoái.

Năm 2022, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Cà Mau đạt 41,87 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 0,1 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2021). Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ số PAPI của Cà Mau xếp thứ 6.

Sang năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ số PAPI, từ đó hướng tới mục tiêu tăng ít nhất 5 bậc thứ hạng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, 8 nhiệm vụ, giải pháp chính đã được đề ra tại Kế hoạch Cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2023 của tỉnh Cà Mau. Trong đó, về vấn đề tham gia của người dân cấp cơ sở, tỉnh cần tổ chức công khai thông tin về các vấn đề chính sách, pháp luật quan trọng liên quan tới người dân; đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể…

Về trách nhiệm giải trình với người dân, tỉnh tổ chức thực hiện công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định. Công khai thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã; kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa, trên hệ thống truyền thanh cơ sở…, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Tỉnh cần kịp thời tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chuyển đơn, thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại với công dân có khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp không để phát sinh “điểm nóng”...

Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tỉnh Cà Mau phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm đối với các hành vi nhũng nhiễu, tư lợi, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là khâu xét tuyển, thi tuyển… đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Cung cấp điện ổn định, liên tục, hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân tại Cà Mau. Ảnh minh họa/VGP

Cung cấp điện ổn định, liên tục, hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân tại Cà Mau. Ảnh minh họa/VGP

Về cung ứng dịch vụ công, tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ bảo hiểm y tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, toàn thể xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, nhất là bệnh viện công lập tuyến huyện tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định.

Nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường nhằm cải thiện đời sống của người dân. Cung cấp điện đảm bảo ổn định, liên tục, hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật...

Về quản trị môi trường, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng hoạt động bảo vệ môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, nước; có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, triệt để các sự cố vấn đề môi trường (nếu có)...

Về quản trị điện tử, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết, tiếp cận và sử dụng cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị…

Về thủ tục hành chính công, tỉnh cần cập nhật, công bố, công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính...

Về vấn đề công khai, minh bạch, tỉnh thực hiện cung cấp, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác thông tin chính sách, pháp luật và các tài liệu cần thiết khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị… Từ đó, tạo điều kiện để người dân có thể truy cập, tìm kiếm và tiếp nhận thông dễ dàng, kịp thời...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.