CEO Fundiin: Thời điểm thích hợp để 'mua trước trả sau' phát triển

Fundiin Fintech
14:51 - 14/08/2023
CEO Fundiin: Thời điểm thích hợp để 'mua trước trả sau' phát triển
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây được xem là miếng bánh mới của thị trường tài chính.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Nhu cầu tiêu dùng có chiều hướng tăng trong khi một số lượng lớn người dân Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận tín dụng ở các tổ chức tín dụng truyền thống như ngân hàng (tỷ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng hiện nay ước tính chỉ đạt khoảng 5-6%). Các dịch vụ vay tiền cầm cố thì thường có lãi suất quá cao và dịch vụ khách hàng chưa tốt.

Trong bối cảnh đó, dịch vụ mua trước trả sau thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng. Khảo sát của Mastercard thực hiện năm 2022 cho thấy 35% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ lựa chọn hình thức mua trước trả sau. Đặc biệt, nhóm khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ 1997-2012) sử dụng thành thạo công nghệ bắt đầu có thu nhập cao hơn, đây sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng của thị trường này.

Mua trước trả sau là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ, cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ (thường là hằng tháng) mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì sẽ không phải trả tiền lãi (lãi suất 0%). Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ảnh Cường, đồng sáng lập kiêm CEO Fundiin, một trong những công ty tham gia thị trường mua trước trả sau.

Mekong ASEAN: Với tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng cao, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua trước trả sau. Nhìn lại hành trình phát triển, đâu là những cơ hội cũng như khó khăn mà Fundiin gặp phải khi ra mắt dịch vụ mới này tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Theo các thống kê, tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng tại Việt Nam chỉ khoảng 5% trong khi tỷ lệ ở các nước phát triển là 50-90%, đặc biệt tại Hàn Quốc là hơn 90%. Từ đó có thể nhận thấy nhu cầu từ hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam khi họ không được tiếp cận tiện ích trả sau của thẻ tín dụng như người tiêu dùng ở các quốc gia khác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy một cơ hội lớn nữa đến từ các đơn vị kinh doanh khi tìm kiếm giải pháp gia tăng trải nghiệm khách hàng, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Trong giai đoạn đầu, Fundiin triển khai dịch vụ này từ những nhà bán nhỏ, sau đó mới đến những thương hiệu trung bình và hiện tại là các sàn thương mại điện tử. Trong đó, các sàn thương mại chiếm tỷ trọng lớn khi xét riêng với việc mua bán trực tuyến.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng phương thức thanh toán mua trước trả sau vẫn còn thấp. Khi triển khai dịch vụ mua trước trả sau tại Việt Nam, Fundiin nhận thấy nhiều người tiêu dùng còn xem phương thức thanh toán này là trả góp truyền thống hoặc các ứng dụng cho vay có mức phí và lãi suất cao nên còn đắn đo trải nghiệm mặc dù Fundiin mang đến tiện ích trả sau hoàn toàn miễn phí và miễn lãi.

Để hình thức mua trước trả sau trở nên phổ biến tại Việt Nam, tôi cho rằng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thay đổi hành vi và nhận thức của người tiêu dùng. Bởi trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm cho vay đã bị mang tiếng và được xem như "bẫy nợ" khiến nhiều người tiêu dùng trở nên nghèo hơn và mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần.

Người tiêu dùng Việt Nam đang cần hơn một sản phẩm miễn phí, miễn lãi. Do đó, phải làm sao để ngay từ lần đầu tiên, khách hàng có thể thấy hình thức này an toàn, dễ sử dụng. Có như vậy thì khách hàng mới muốn sử dụng lần thứ hai.

Mekong ASEAN: Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Fintech trong và ngoài nước triển khai phương thức thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam. Vậy giải pháp của Fundiin có gì khác biệt, thưa ông?

Theo tôi, để giải pháp BNPL thành công cần giải quyết được 2 vấn đề. Một là làm sao để giải pháp mua trước trả sau có thể giảm tối đa mức rủi ro trong giao dịch. Hai là, với điều kiện trải nghiệm khách hàng phải là tốt nhất. Bởi khi rủi ro cao mà bạn càng mở rộng thì bạn càng lỗ nhiều. Hay nếu rủi ro thấp nhưng giải pháp của bạn lại yêu cầu quá nhiều thông tin từ khách hàng hay bắt buộc họ phải tải ứng dụng (app) thì chẳng ai muốn trải nghiệm dịch vụ của bạn dẫn đến giải pháp cũng khó có thể mở rộng được.

Đảm bảo cùng lúc 2 yếu tố rủi ro phải thấp mà không yêu cầu quá nhiều thông tin từ khách hàng là một bài toán nan giải trong thị trường hiện tại. Để giải quyết bài toán trên, Fundiin sử dụng trí tuệ nhân tạo và Big Data với mục tiêu làm sao với một nguồn dữ liệu hạn hẹp về khách hàng mà có thể dự đoán chính xác được tỷ lệ hay phân loại giao dịch có đáng tin cậy hay không đồng thời xây dựng trải nghiệm để phục vụ đúng tệp khách hàng.

Về mô hình hoạt động, Fundiin không cho khách hàng vay tiền để mua sản phẩm mà ngược lại là Fundiin sẽ mua sản phẩm đó và bán lại cho khách hàng. Fundiin cung cấp cho người tiêu dùng cuối giải pháp mua trước trả sau với 3 hình thức thanh toán gồm thanh toán 3 đợt hàng tháng, thanh toán trong 30 ngày và thanh toán định kỳ.

Fundiin không thu phí từ người tiêu dùng, hướng tới việc mang đến một giải pháp giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính được đăng ký và xét duyệt nhanh, đơn giản, tất cả quá trình chỉ trong 3 phút.

Mekong ASEAN: Thị trường “mua trước trả sau” được xem là một dư địa đầy tiềm năng, tuy nhiên hiện tại, hành lang pháp lý về hình thức thanh toán này vẫn chưa rõ ràng. Cùng với đó, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi hơn. Vậy Fundiin đã có những biện pháp gì để đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Fundiin tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và Big Data để dự đoán chính xác được tỷ lệ hay phân loại giao dịch có đáng tin cậy hay không; người dùng có mua hàng như một người thật hay không hay họ dùng máy để mua, qua đó có thể quản trị được rủi ro trong giao dịch.

Cùng với đó, công ty áp dụng các công nghệ mới, dữ liệu mới cũng như liên tục nâng cấp thuật toán liên quan đến định danh điện tử và chống lừa đảo để có thể xác định tốt hơn các giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, ảnh hưởng đến sự an toàn khi sử dụng cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề pháp lý, Fundiin vẫn tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan hoạt động “mua trả chậm, trả dần”.

Mekong ASEAN: Ông có nhận định gì về tiềm năng phát triển thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam trong thời gian tới. Dự định Fundiin có kế hoạch mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác không?

Ông Nguyễn Ảnh Cường: Chúng tôi nhận định, đây là thời điểm thích hợp cho thị trường mua trước trả sau để phát triển.

"Trong bối cảnh lãi suất tiếp tục tăng cao cùng rủi ro suy thoái kinh tế, thu nhập người dân có thể bị giảm xuống và số lượng thất nghiệp tăng lên. Từ đó, nhu cầu của người tiêu dùng cho giải pháp giúp cân đối thu chi như mua trước trả sau và nhu cầu từ nhà bán lẻ để kích cầu tiêu dùng là rất lớn".

Ông Nguyễn Ảnh Cường, đồng sáng lập kiêm CEO Fundiin.

Đây cũng là thời điểm nhiều đơn vị lớn trong lĩnh vực trực tuyến như sàn thương mại điện tử hay giao đồ ăn đồng loạt tích hợp phương thức thanh toán mua trước trả sau vào trong nền tảng.

Sendo, một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bắt đầu tích hợp mua trước trả sau từ hơn một năm trước. Sau đó, Tiki và Shopee cũng bắt đầu triển khai dịch vụ trong nền tảng như một phương thức thanh toán chính thống.

Hiện tại, dịch vụ mua trước trả sau đã mở rộng ra ngoài các lĩnh vực truyền thống là xe máy, điện thoại, điện máy, sang cả các lĩnh vực mới như mỹ phẩm, thời trang, giày dép, vé xem phim, vé máy bay, du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.