Chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận dệt may Thành Công giảm 48%

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
14:42 - 18/03/2022
Chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận dệt may Thành Công giảm 48%
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh của dệt may Thành Công (TCM) tháng 2/2022 đạt hơn 259 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí sản xuất và đầu vào tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận của Thành Công giảm so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) vừa công bố bản tin nhà đầu tư tháng 3/2022. Trong đó, doanh thu tháng 2/2022 tại công ty đạt 11,3 triệu USD (tương đương hơn 259 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 65% so với tháng 1/2022.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế tháng 2 ghi nhận đạt 13 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và giảm 48% so với mức thực hiện tháng đầu năm 2022. Trong cơ cấu doanh thu, mảng sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7% tổng doanh thu.

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu TCM đạt 654,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, TCM báo lợi nhuận giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ xuống mức 38,6 tỷ đồng. Chi phí sản xuất và đầu vào tăng cao được cho là nguyên nhân chính dẫn đến biên lợi nhuận của Thành Công giảm so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tại thời điểm giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí vận tải tăng cao, cùng với đó là tình trạng thiếu hụt container khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo dự đoán của các chuyên gia, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong nửa đầu năm nay, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, việc xuất khẩu tại nước ta còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, trong đó hàng may mặc phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ. Khi 2 thị trường này có biến động cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, Dệt may Thành Công cũng sẽ nhận những tín hiệu khả quan từ kết quả kinh doanh - công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Cụ thể, Công ty đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 với việc đầu tư kỹ thuật tiên tiến và bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, đáp ứng những tiêu chuẩn audit và môi trường của những khách hàng khó tính của thị trường Mỹ, Nhật, EU... Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào đầu tháng 4/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Bên cạnh đó, nhiều công ty dệt may đang có động lực tăng trưởng lớn từ mảng bất động sản. Đặc biệt là TCM đang triển khai các dự án như: Tòa tháp TC Tower (TC1) tại địa chỉ 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú, diện tích khu đất gần 10.000 m2 , dự kiến xây dựng 3 block tổng cộng 650 căn hộ chung cư. TC1 hiện đang trong giai đoạn làm thủ tục pháp lý, khi triển khai, dự án sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản trong khoảng 2 - 3 năm sau. Dự án sẽ được TCM hợp tác đầu tư với bên thứ 3 (ngoài Eland).

Ngoài ra, Dệt may Thành Công đã có nhiều đóng góp trong việc xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước lớn trên thế giới. Riêng tháng 2, xuất khẩu của Công ty sang Châu Á chiếm 71,12%. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất 24,59% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là thị trường Nhật chiếm 24,29%, Trung Quốc 10,07%, Việt Nam 9,04%. Xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ chiếm 22,8%, trong đó Mỹ chiếm 22,41% và xuất khẩu sang thị trường Châu Âu chiếm 6,1% trong đó Anh chiếm ưu thế 5,13%.

Tin liên quan

Đọc tiếp