Coteccons: Ricons thiếu sự hợp tác, việc kiện ra tòa lúc này không phải ngẫu nhiên

Coteccons Ricons
09:32 - 26/07/2023
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons.
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons.
0:00 / 0:00
0:00
Ricons kiện Coteccons ra tòa và yêu cầu đối phương mở thủ tục phá sản. Hiện phía Coteccons đã nhận được thông báo của tòa án về vụ việc này.

Ngày 24/7, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) công bố thông tin về việc đã nhận được thông báo của TAND TP HCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons.

Trong thông cáo báo chí ngay sau đó, Coteccons cho biết có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty. Đây là các công nợ từ giai đoạn trước năm 2019. Lúc đó, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ, tại dự án như: Dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ theo những chứng từ pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như dự án Newtaco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.

“Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai công ty. Coteccons đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu”, CTD thông tin.

Coteccons khẳng định, các bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các hợp đồng đã ký và đúng quy định của pháp luật.

“Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng. Các tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài, tuy nhiên Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này”, Coteccons nêu trong thông cáo.

Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons.

Coteccons vốn cùng hệ sinh thái với Ricons, do ông Nguyễn Bá Dương gây dựng. Nhà đầu tư ngoại Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) đến từ Singapore đầu tư vào Coteccons năm 2012, nắm giữ 18,23% cổ phần có quyền biểu quyết. Từ năm 2019, nhóm cổ đông này xảy ra mâu thuẫn với ban lãnh đạo CTD và muốn bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương.

Nguyên nhân mâu thuẫn là do Kusto nghi vấn xung đột lợi ích khi ban lãnh đạo Coteccons đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nhau, sử dụng tài nguyên và uy tín công ty để phục vụ lợi ích của các thành viên trong “Coteccons Group” (như với Ricons, Unicons).

Hai bên liên tục đấu tố nhau và kết cục đến tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương rời ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons sau 17 năm gây dựng. Người thay thế là ông Bolat Duisenov, quốc tịch Kazakhstan, đại diện cho cổ đông lớn Kusto. Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTD, Coteccons nắm giữ 14,3% vốn của Ricons với giá trị vốn góp là hơn 301 tỷ đồng, theo dạng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp