Cuộc chiến bán lẻ: MWG lợi thế 'ông lớn', FRT nuôi át chủ bài

MWG FPT Retail
14:57 - 04/08/2023
MWG khơi mào "cuộc chiến giá rẻ" để tranh giành thị phần.
MWG khơi mào "cuộc chiến giá rẻ" để tranh giành thị phần.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng suy yếu, cuộc chiến cạnh tranh giữa các công ty trong ngành bán lẻ lại càng thêm gay gắt. Mỗi doanh nghiệp đều phải có kế sách riêng để duy trì tăng trưởng, đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Thị trường bán lẻ ICT (công nghệ) bắt đầu trầm lắng từ cuối năm ngoái, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn hậu Covid-19 và sức nóng “lạm phát” phả vào bữa ăn mỗi gia đình.

Sự trầm lắng này ngay lập tức ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ trong ngành là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Reatail, mã FRT), CTCP Thế giới số (mã DGW).

MWG chấp nhận hi sinh lợi nhuận để giành thị phần

Xác định khó khăn sẽ kéo dài đến hết năm 2023, MWG tận dụng lợi thế “ông lớn” để thực hiện chiến dịch tranh giành thị phần. Doanh nghiệp tuyên bố tham gia vào “cuộc chiến giá rẻ” và sẽ khiến các đối thủ phải “rên xiết” trong thời gian dài.

“Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế giới Di động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng. Tuy nhiên sắp tới, hiện tượng này sẽ chấm dứt và sẽ không để cho chênh lệch giá trở thành điểm lợi dụng của đối thủ”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của MWG hồi tháng 4/2023.

MWG hiện sở hữu 2 chuỗi bán điện thoại là Thế giới di động (hơn 1.000 cửa hàng) và Topzone (100 cửa hàng). Trong đó, Topzone ra đời từ tháng 10/2021, là chuỗi cửa hàng chuyên biệt, chỉ bán các sản phẩm của Apple sau cái bắt tay giữa hai bên.

Chiến lược của MWG ngay sau đó đã tạo ra bức tranh khác lạ trên thị trường bán lẻ ICT. Các dòng sản phẩm Apple và một số flagship của Samsung, Xiaomi, Oppo... đều giảm giá liên tục. Các nhà bán lẻ khác như FPT Shop, CellphoneS, Viettel Store, Di Động Việt, Digiworld... cũng bắt buộc phải tham gia nếu không muốn đánh mất thị phần.

Trong tháng 5, Thế giới di động tung thông điệp “Giá rẻ quá”, FPT Shop ngay lập tức có màn đáp trả “Rẻ hơn cả rẻ quá”. Di Động Việt cũng “nghênh chiến” với slogan "Rẻ hơn các loại rẻ"…

Sau khi khơi mào “cuộc chiến giá rẻ”, MWG thông báo thị phần đã tăng lên. Đây là cơ sở để công ty bứt phá khi sức cầu tiêu dùng phục hồi những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tác dụng ngược là lợi nhuận bị ảnh hưởng. Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Thế giới Di động cho thấy, doanh thu giảm 14% nhưng chi phí bán hàng lại tăng gần 9%. Biên lợi nhuận giảm xuống 18,5%, so với mức 21,3% của cùng kỳ năm ngoái và mức 19,2% của quý 1/2023.

Chấp nhận hi sinh lợi nhuận để hướng tới mục tiêu giành thị phần nên doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đã chuẩn bị sẵn kế sách để vẫn có lợi nhuận. Đó chính là gia tăng lượng tiền gửi trong bối cảnh lãi suất cao.

MWG đưa số dư tiền mặt lên đến hơn 24.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Con số này đã tăng 4.600 tỷ so với cuối quý 1 và cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.

Khoản tiền gửi lớn đã mang về cho MWG hơn 500 tỷ đồng tiền lãi trong quý 2, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, qua đó giúp doanh nghiệp bán lẻ thoát lỗ với lợi nhuận hơn 17 tỷ đồng, giảm tới 98% so với quý 2/2022.

FPT Retail đặt cược vào chuỗi nhà thuốc

“Cuộc chiến giá rẻ” đương nhiên khiến các đối thủ của MWG bị ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Doanh thu của FPT Retail trong quý 2 vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 40% lên mức 1.219 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 215 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lãi 47 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi tháng 4/2023, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cho biết, thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau", nhưng lâu dài sẽ làm một cuộc đua cùng kéo nhau xuống. “Cuộc chiến về giá - chúng tôi đánh giá không phải là bài toán hay. Nhưng ngắn hạn, thị trường hạ chúng tôi cũng sẽ hạ để bán được hàng”, bà Điệp nói.

Tuy nhiên FRT đang nuôi dưỡng một mảng “át chủ bài” khác hứa hẹn sẽ mang lại sự tăng trưởng đột phá cho công ty trong tương lai. Đó chính là FPT Long Châu. Thực tế trong quý 2 vừa qua, tăng trưởng doanh thu của FPT Retail là nhờ động lực từ chuỗi bán lẻ dược phẩm, với đóng góp 3.615 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ 2022. Với con số này, doanh thu chuỗi Long Châu đã chính thức vượt chuỗi FPT Shop.

Trong 6 tháng đầu năm, FPT Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý 2; nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên 1.243 nhà thuốc, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Việc tăng tốc mở mới các nhà thuốc ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt của công ty khi kéo theo chi phí nhưng sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho FRT trong tương lai. Công ty đặt mục tiêu các cửa hàng thuốc mở mới sau 6 tháng bắt buộc phải có lãi.

So ở mảng dược phẩm thì FRT đang đi nhanh hơn MWG. Thế giới Di động cũng gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc An Khang. Tuy nhiên, công ty đã phải tạm ngưng mở mới, dừng lại ở con số hơn 500 cửa hàng và cũng chưa có động thái phát triển nào nổi bật.

Trong bối cảnh các mặt hàng ICT đang bão hoà và cạnh tranh khốc liệt, FPT Retail còn chủ động mở rộng các ngành hàng khác để đảm bảo tăng trưởng. Tháng 4/2023, FPT Long Châu ra mắt ngành hàng dinh dưỡng thể thao chuyên nghiệp. Tháng 5/2023, FPT Retail được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động, với sự hỗ trợ của Tập đoàn FPT.

Digiworld tích cực tìm các sản phẩm mới

Tương tự tại DGW, doanh thu bán hàng của công ty trong quý 2/2023 giảm 6%, tuy nhiên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng tới 89%. Kết quả, DGW báo lãi ròng đạt 83 tỷ đồng, giảm 39% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 8.556 tỷ doanh thu thuần, giảm 28% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 162 tỷ đồng, giảm 53%.

Cũng giống như MWG và FRT, Digiworld phải tìm các hướng kinh doanh mới để không bị tụt hậu trong cuộc chiến ngành bán lẻ. Từ cuối quý 3/2022, công ty bắt đầu phân phối các sản phẩm gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy rửa chén từ thương hiệu Whirlpool. Tháng 12/2022 Digiworld đã chính thức trở thành nhà phân phối của AB-InBev tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, từ quý 2/2023, Digiworld phân phối thêm một số sản phẩm gia dụng của Westinghouse cùng một số nhãn hàng đồ uống của Lotte Chilsung Beverage. Theo kỳ vọng của công ty, sự hợp tác mới sẽ giúp các ngành hàng gia dụng, bia và FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) trở thành động lực tăng trưởng của Digiworld trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp