Đại biểu Quốc hội tranh luận về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Nhà ở QUỐC HỘI
12:26 - 19/06/2023
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH TP HCM - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH TP HCM - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Vấn đề quy định thời hạn sở hữu chung cư là vấn đề nóng, nhận về nhiều tranh luận từ những dự thảo đầu tiên của luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở sửa đổi tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật, hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về phát triển nhà ở, đầu tư, nhà ở xã hội, về quản lý nhà ở, đặc biệt là vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân sâu xa của sự phức tạp trong cải tạo chung cư cũ hiện nay là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, không có thời hạn. Do đó, người dân có quyền không đồng ý, không thể phá dỡ được.

Thực tế, quy định sở hữu dài hạn hay có thời hạn thì thực chất khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, quyền của người dân ở đó cũng không còn gì, có chăng chỉ có quyền ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đại biểu phân tích.

"Do đó, về lâu dài, không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ thời hạn sở hữu của nhà chung cư theo thời hạn của công trình thiết kế", đại biểu đề xuất.

Lập luận cho quan điểm trên, đại biểu Cường nêu, nếu quy định như trên sẽ mang lại 2 thuận lợi.

Thứ nhất, đứng về phía người sở hữu nhà, sẽ chỉ phải trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó mà không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn.

Theo đại biểu, nếu quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với quy định sở hữu vô thời hạn. Như vậy, đại biểu cho rằng việc chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ ra thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không khi nhà này đã bị phá dỡ.

Thứ hai, đứng về mặt xã hội, tránh được tình trạng khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư hiện nay. Chỉ cần một vài người không đồng tình thì cũng không thể xây dựng lại, vì đó là tài sản quy định sở hữu vĩnh viễn. Khi đó lại lặp lại tình trạng xập xệ như những nhà chung cư cũ hiện nay, đại biểu nhấn mạnh.

Đề nghị nên quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế, song đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tốt, vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài, không phải bị mất đi. Nếu thực hiện được việc này sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn

Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, phải suy nghĩ theo hướng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Nếu không sẽ khuyến khích xây dựng những chung cư 20 - 30 năm, 30 - 40 năm.

"Chuyện nơi ở dài hạn từ thế hệ này qua thế hệ khác là nhu cầu tinh thần rất lớn, củng cố quan hệ gia đình của người dân", đại biểu Nghĩa nói và dẫn chứng, tại nước ngoài, càng ngày tuổi thọ chung cư càng cao, nhiều nước lên tới hàng trăm năm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nghĩa, liệu có thống kê được có bao nhiêu chung cư sở hữu không có thời hạn hay không? Trong khi, hiện nay rất nhiều người sở hữu như vậy, nếu quy định có thời hạn, kiểm soát và xử lý các trường hợp đó như thế nào, đại biểu đặt vấn đề.

"Đề nghị vẫn duy trì loại chung cư dài hạn, sở hữu lâu dài và có thời hạn, để người dân lựa chọn. Có thể sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ theo sự an toàn, an ninh chung. Trong tương lai cần khuyến khích việc xây dựng nhà chung cư càng lâu dài càng tốt", đại biểu nêu quan điểm.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.